Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (16/05/2025, 08:19)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận ở tổ 13 về dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Quang cảnh phiên thảo luận (Ảnh: quochoi.vn).

Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thống nhất cao với sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết, đồng thời cho biết Nghị quyết này rất đúng đắn, phù hợp trong bối cảnh hiện nay. 

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Nghị quyết để đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tiễn, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Cụ thể như, tại khoản 1, Điều 3 quy định nguyên tắc áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt có đề cập vấn đề “ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật”, đại biểu còn băn khoăn và đề nghị cần làm rõ hơn định nghĩa của cụm từ “hướng lái chính sách” nhằm đảm bảo dễ hiểu trong áp dụng. 

Tại Điều 6 về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách pháp luật, đại biểu thống nhất với quy định được đề cập tại dự thảo nghị quyết, từ việc xác định tư cách pháp nhân, cơ quan quản lý, mục tiêu, các nhiệm vụ… Đại biểu cũng đồng tình với việc hình thành ngay Quỹ này để kịp thời điều tiết trong quá trình hỗ trợ cho các dự án, nhiệm vụ mà ngân sách Nhà nước không đủ điều kiện để bố trí hoặc chưa có các quy định liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu thảo luận tại phiên làm việc (Ảnh: quochoi.vn).

Tại khoản 2, Điều 6 có quy định “Quỹ có mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi, đột phá tích cực, hiệu quả, bền vững xây dựng pháp luật…”, đại biểu cho rằng quy định này còn chưa đầy đủ ở chỗ phạm vi điều chỉnh của nghị quyết này không chỉ là xây dựng pháp luật mà còn một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc tổ chức thực hiện pháp luật có liên quan trực tiếp đến xây dựng pháp luật. Theo đại biểu, trong quy định nguồn Quỹ này mới chỉ đặt vấn đề ở chỗ xây dựng pháp luật còn khía cạnh thứ hai mà phạm vi điều chỉnh của nghị quyết đề ra đó là các hoạt động, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện pháp luật mà có liên quan trực tiếp đến xây dựng pháp luật thì lại chưa có quy định hỗ trợ.

Do đó đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm một khoản ở nội dung này, như vậy những dự án, hoạt động chưa được ngân sách bố trí trong vấn đề thi hành pháp luật liên quan trực tiếp đến xây dựng pháp luật cũng sẽ được hỗ trợ từ nguồn quỹ này. 

Đối với Điều 7 quy định về các đối tượng thành phần được thụ hưởng từ chính sách này, đại biểu cho rằng ở địa phương mới chỉ quy định đối tượng thụ hưởng là đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ ở Ban Pháp chế của HĐND tỉnh, giới hạn số lượng đối tượng rất ít, do đó đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định đầy đủ đối tượng được thụ hưởng chính sách này, trực tiếp là những cán bộ công chức tại địa phương nhằm tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện nghị quyết…

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại phiên làm việc (Ảnh: quochoi.vn).

Thảo luận về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Phó Giám đốc Công an tỉnh nhất trí cao với sự cần thiết của việc xây dựng dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả, trong điều kiện môi trường địa chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; đồng thời khẳng định được sự lớn mạnh, tham gia sâu rộng, hiệu quả vào lực lượng gìn giữ hòa bình và được Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành rất nhiều văn bản, pháp lý quan trọng để tạo hành lang pháp lý, cũng như đảm bảo về chế độ, chính sách cho các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đặc biệt là trong việc thể chế hóa đầy đủ các đường lối, quy định của Hiến pháp năm 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Liên quan đến chế độ, chính sách cho lực lượng này tại khoản 1, Điều 25, đại biểu cho rằng, dự thảo luật mới chỉ đề cập là thực hiện theo quy định của pháp luật, như vậy chưa đủ, do vậy đề nghị bổ sung, sửa đổi là “quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc”.

Tại khoản 4, Điều 25, đại biểu nhận thấy các chế độ, chính sách đối với những người đang trong thời gian tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cơ bản đã đáp ứng được. Tuy nhiên, các chế độ, chính sách đối với những người sau khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trở về mà bị ảnh hưởng đến sức khỏe, bị bệnh tật thì cũng chưa có, do vậy đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định về chế độ, chính sách đối với những đối tượng này.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách mang tính ưu tiên, khuyến khích đối với lực lượng là nữ giới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…

Đại biểu Lưu Văn Đức phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: quochoi.vn).

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Lưu Văn Đức - Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này nhằm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân – động lực quan trọng, lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, đòn bẩy cho sự hưng thịnh của đất nước.

Về đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu thống nhất với quy định tại Điều 11 về ưu đãi lựa chọn nhà thầu, nhất là việc nghị quyết có quy định “ưu tiên” cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do những người thuộc nhóm yếu thế làm chủ để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này có điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận, tham gia cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, quy định này vẫn còn quá rộng, vì nhóm “người yếu thế” được hiểu gồm rất nhiều đối tượng (thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người nghèo…), do đó đại biểu đề nghị cần rà soát rõ hơn về đối tượng, cùng với phân tích đặc điểm của mỗi nhóm người yếu thế (về trình độ, năng lực, khả năng tài chính…); chỉ ưu tiên cho nhóm thực sự yếu thế trong xã hội và có khả năng tham gia có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nghị quyết như: doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ (ưu tiên bình đẳng giới), người khuyết tật (ưu tiên về thể chất, tâm thần), người dân tộc thiểu số (ưu tiên thực hiện chính sách dân tộc), thanh niên làm chủ (ưu tiên khởi nghiệp); doanh nghiệp nhỏ và vừa ở miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, cần quy định rõ nội dung “ưu tiên” gồm những gì, thực hiện như thế nào, các thủ tục, trình tự cần đáp ứng là gì, tránh quy định hình thức, không cụ thể, rõ ràng, khó áp dụng trong thực tiễn…

Minh Huệ