Chiều 7/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tập trung thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hậu Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại tổ (Ảnh: quochoi.vn).
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tại Kỳ họp này, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ chỉ tập trung vào 8/120 Điều, phục vụ yêu cầu tinh gọn bộ máy, không mở rộng ra lĩnh vực khác. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ hệ trọng, là chủ trương lớn thể hiện “ý Đảng hợp lòng dân”, tạo nền tảng cho bộ máy tinh gọn, hiệu quả, dành nguồn lực cho phát triển đất nước, chăm lo an sinh xã hội được tốt hơn.
Tham gia thảo luận tại Tổ 13 về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk bày tỏ sự tán thành, cơ bản thống nhất với các nội dung sửa đổi.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên làm việc (Ảnh: quochoi.vn).
Liên quan đến quy định về địa vị chính trị, pháp lý của các tổ chức chính trị xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, theo Kết luận 127 của Bộ Chính trị về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì ngoài các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có các hội quần chúng đang thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho (được thực hiện theo Nghị định 126 của Chính phủ và trước đây là Nghị định 45 về tổ chức, hoạt động, quản lý các hội đặc thù). Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết chưa đề cập rõ về địa vị pháp lý của các tổ chức hội quần chúng. Do đó, đại biểu đề nghị cần thể hiện rõ địa vị pháp lý của các tổ chức hội quần chúng để tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho các tổ chức hội này hoạt động theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.
Đối với việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định tại khoản 4, Điều 110, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn một thuật ngữ hiện đang được dùng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay đó là “kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện”, do vậy đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm cụm từ này vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp để có thể thuận lợi hơn, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong quá trình thực hiện kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thảo luận tại phiên làm việc.
Quan tâm đến quyền chất vấn của đại biểu HĐND được quy định tại Khoản 2, Điều 115, đại biểu băn khoăn: “khi bỏ quyền chất vấn của đại biểu đối với Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thì ai sẽ thực hiện quyền này tại địa phương? Bên cạnh đó, đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã tổ chức lấy ý kiến, các đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề này và cho rằng, quyền chất vấn cũng là một quyền cơ bản của hoạt động giám sát, thể hiện chức năng cơ bản của đại biểu HĐND. Như vậy, nếu bỏ quyền chất vấn đối với ngành Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân thì liệu có bất cập với dự thảo Luật như vừa đề cập hay không”. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên quyền này, để đảm bảo được các yếu tố thực thi pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo pháp luật và trả lời những vấn đề với cử tri, nhân dân được biết.
Đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, tại Điều 8 về nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, tại điểm c, khoản 3 dự thảo Luật quy định việc giải thể đơn vị được thực hiện trong trường hợp do tổ chức lại các đơn vị hành chính theo định hướng của cơ quan có thẩm quyền. Đại biểu cho rằng, cụm từ “định hướng” đặt trong các nghị quyết, kết luận chủ trương của Đảng thì rất rõ ràng, nhưng khi đặt trong luật thì không thể xem định hướng là một quy định pháp luật để làm căn cứ pháp lý thực hiện, do đó đại biểu đề nghị sửa lại cụm từ này cho phù hợp…
Minh Huệ
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các cơ sở Phật giáo nhân Đại lễ Phật đản năm 2025 (09/05/2025, 11:04)
- Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm, chúc mừng các cơ sở Phật giáo nhân Đại lễ Phật đản 2025 (09/05/2025, 11:03)
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Năng mở rộng (08/05/2025, 21:48)
- Đề nghị sớm nghiên cứu các quy định cụ thể về hoạt động kiểm tra chuyên ngành (08/05/2025, 21:20)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) (08/05/2025, 14:26)
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về dược, an toàn thực phẩm (07/05/2025, 17:32)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận các dự án Luật (07/05/2025, 10:36)
- Ông Nguyễn Thiên Văn được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (07/05/2025, 10:07)
- Hơn 1.000 cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức tham gia Ngày hội hiến máu tình nguyện (06/05/2025, 16:24)
- Công bố PCI năm 2024 của Đắk Lắk: Nhiều chỉ số thành phần có sự cải thiện (06/05/2025, 15:30)