Triển vọng xây dựng chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao (14/06/2024, 16:00)

Ngành cà phê cần đầu tư vào chất lượng chế biến, xây dựng chuỗi giá trị cà phê Robusta chất lượng cao nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững cho cà phê Việt Nam.

Ngày 14/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) cùng Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Phát triển Quốc tế Pháp (CIRAD) và Simexco Daklak Ltd tổ chức hội thảo về triển vọng thị trường cà phê đặc sản.

Thảo luận về triển vọng cà phê đặc sản

Sự kiện nằm trong khuôn khổ của một hợp phần bổ sung của Dự án V-SCOPE do ACIAR tài trợ mang tên Nâng cao sinh kế của các hộ sản xuất quy mô nhỏ tại tây nguyên thông qua mô hình can thiệp thí điểm hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cà phê Robusta chất lượng cao”.

Hội thảo thu hút khoảng 40 chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi các kinh nghiệm, giải pháp thích ứng với sự thay đổi của thị trường cà phê thế giới và nâng cao khả năng cạnh tranh, tính bền vững thông qua việc cải tiến chất lượng, tìm kiếm hướng đi mới trong phát triển thị trường và tăng trưởng, đặc biệt là khám phá tiềm năng của cà phê đặc sản Robusta.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Manuel Díaz, chuyên gia cà phê  đã chia sẻ quan điểm và kiến ​​thức của mình về thị trường cà phê toàn cầu trong thế kỷ 21, bao gồm động lực thị trường cà phê toàn cầu, phân tích thị trường và định vị Việt Nam trong thị trường cà phê thế giới: các chiến lược cạnh tranh, các phân khúc thị trường, hiểu về đối thủ cạnh tranh, tìm hiểu sở thích người tiêu dùng cũng như chuyển đổi sang cà phê chất lượng cao/cà phê đặc sản.

Tập huấn nâng cao về cảm quan và thử nếm cà phê đặc sản

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành cà phê, Tiến sĩ Manuel Díaz cũng chỉ ra những con đường phù hợp để Việt Nam trồng cà phê đặc sản và dựa vào đó để hỗ trợ chuyển đổi chất lượng ở quy mô rộng hơn trong ngành cà phê. Trong đó, Việt Nam cần thúc đẩy kinh doanh cà phê đặc sản, thực hành tốt nhất và đánh giá vị trí của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ 2 thế giới trong thị trường cà phê toàn cầu cũng như các chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, sự phát triển cà phê mạnh mẽ ở Tây Nguyên những năm qua đã đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tập trung mở rộng quy mô, sản lượng mang tới những hậu quả về chất lượng và an toàn thực phẩm. Cà phê Việt Nam chủ yếu hiện diện ở thị trường cấp thấp. Dù là nước sản và xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị xuất khẩu toàn cầu và Tây Nguyên vẫn là một trong những vùng nghèo nhất ở Việt Nam.

Ngành cà phê Việt Nam hiện đang đứng trước yêu cầu về cải tổ chất lượng

Ngành cà phê Việt Nam hiện đang đứng trước yêu cầu về cải tổ chất lượng. Trong khi cà phê Robusta vốn gắn liền với cà phê thương mại và cà phê hòa tan thì ngày càng có nhiều người quan tâm đến cà phê Robusta đặc sản (còn gọi là Fine Robusta). Sự xuất hiện của cà phê Robusta đặc sản mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất cà phê Việt Nam nhằm khai thác thị trường cao cấp và góp phần tạo nên sự đa dạng trong thế giới cà phê. Bên cạnh giá trị kinh tế, Robusta cũng được cho là có tiềm năng bù đắp những hạn chế của Arabica trước thách thức biến đổi khí hậu. Cà phê Robusta sẽ tiếp tục phát triển mạnh vì chúng có khả năng chống chọi tự nhiên với áp lực môi trường và có khả năng thích ứng cao.

Hội thảo còn lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ Công ty TNHH Simexco DakLak về cà phê chất lượng cao và định hướng thị trường xuất khẩu và kinh nghiệm của Vĩnh Hiệp về xu hướng thị trường trong nước.

Các đại biểu tham gia hội thảo cũng  thảo luận mở giữa chuyên gia và khách mời về mức độ phản ứng của thị trường trước sự chuyển dịch sang cà phê chất lượng cao, tìm ra con đường cho cà phê chất lượng cao/cà phê đặc sản và nhận diện cơ hội, đòn bẩy và thách thức cho phát triển cà phê chất lượng cao.

Cùng với Hội thảo này, Dự án V-SCOPE cũng tổ chức lớp tập huấn nâng cao về cảm quan và thử nếm cà phê từ ngày 10-1/6/2024 và lớp tập huấn nâng cao về rang, xay cà phê từ 15-18/6/2024 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với sự tham gia hướng dẫn của Tiến sĩ Manuel Díaz, chuyên gia chế biến và rang, xay cà phê.

Dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” (V-SCOPE) hướng tới nâng cao sinh kế cho các nông hộ nhỏ và cộng đồng nông thôn, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và giúp sản xuất bền vững hơn, cũng như thúc đẩy chuỗi thị trường thực phẩm nông nghiệp toàn diện hơn thông qua hợp tác với khu vực tư nhân và nông dân. Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ và được Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF - còn gọi là World Agroforestry) chủ trì thực hiện, phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Phát triển Quốc tế Pháp (CIRAD), là bên cung cấp nhân sự cho Dự án.

Kim Bảo

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

​​​

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready