Tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển - Từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách (29/12/2015, 23:35)

Đắk Lắk có khoảng 8.783 doanh nghiệp, trong những năm qua tỉnh ta đã có nhiều chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp tại tỉnh. Bên cạnh những doanh nghiệp nhỏ và vừa thụ hưởng được chính sách để mở rộng sản xuất, vẫn còn một lượng lớn doanh nghiệp bị giải thể hoặc tồn tại yếu kém do thiếu vốn và năng lực hội nhập thị trường. Từ việc ban hành chính sách đến thực tế triển khai vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đánh giá được hiệu quả.

Chính sách, thủ tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh, tính đến hết tháng 11/2015, trên địa bàn tỉnh hiện có 8.783 doanh nghiệp, bao gồm 8.363 doanh nghiệp dân doanh (chiếm 95,22%), 357 hợp tác xã (chiếm 4,06%). Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp là 30.936 tỷ đồng.Với sự đầu tư phát triển vào nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, khai thác hết tiềm năng thúc đẩy kinh tế hộ nông dân, cùng với các thành phần kinh tế khác, đóng góp vào tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Năm 2015 ước đạt tặng 18.635 tỷ đồng  gấp 1,47 lần so với năm 2010.

 

Sản xuất chế biến gỗ dân dụng của Công ty cổ phần chế biến gỗ Trường Thành

Đến nay, tỉnh đã quy hoạch và tiến hành đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp và dành một lượng vốn nhất định để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp và dịch vụ. Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú, Cụm công nghiệp Tân An 1 và 2 đồng bộ với cơ sở hạ tầng ngoài khu công nghiệp gồm điện, nước, thông tin, các dịch vụ kỹ thuật.  Để giúp doanh nghiệp thích ứng mạnh mẽ hơn nữa với kinh tế thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 16/6/2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 4210 /KH-UBND về việc “Đẩy mạnh việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2015-2020.” Trong đó, chú trọng các giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia và cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành các mô hình doanh nghiệp phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hằng năm, các cấp chính quyền tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính đối với thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, chủ động đề ra giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động giảm thời hạn giải quyết 16 thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp từ 05 ngày làm việc theo quy định xuống còn 01 ngày làm việc, góp phần giảm chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Ngành Thuế đã giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định về thời gian và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong quản lý điều hành. Nhờ các biện pháp trên, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp và người dân đã được rút ngắn xuống 121,5 giờ/năm (trước đây bình quân 250 giờ/năm).

 

Trao tặng Kỷ niệm chương của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho các cá nhân có thành tích “Vì sự nghiệp phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” tại Đại hội Hiệp Hội Doanh Nghiệp tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngoài ra, UBND tỉnh duy trì tổ chức thường xuyên 02 đợt gặp mặt doanh nghiệp vào giữa năm và cuối năm để nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư phản ánh những khó khăn, tồn tại trong quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó các đơn vị có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Hiệu quả chưa cao

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 790 doanh nghiệp giải thể, 519 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và 1.002 doanh nghiệp bỏ kinh doanh. Bên cạnh những kết quả đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, sự phát triển của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tỉnh bộc lộ không ít hạn chế như: số lượng phát triển nhanh nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (cả vốn và lao động); đăng ký đa dạng ngành nghề kinh doanh nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sơ chế nông sản; số doanh nghiệp đầu tư vào các ngành sản xuất công nghiệp và sản xuất vật chất khác chưa nhiều; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiêp để tạo nên sức mạnh về quy mô vốn, về kỹ thuật công nghệ..., do đó chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu còn ít, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không hoặc chưa hoạt động hoặc chưa phát sinh thuế vẫn còn cao. Nhận định của ông Dương Thanh Tương – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết: Khó khăn hiện nay của doanh nghiệp vừa và nhỏ là về nguồn vốn, mặc dù các năm gần đây lãi suất cho vay có điều chỉnh, các kênh tiếp cận nguồn vốn cũng được nhiều đơn vị đăng ký tham gia. Tuy nhiên các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn thì không có nhu cầu vay vì nguyên liệu đầu vào cao, thị trường cho sản phẩm đầu ra không ổn định...ngược lại một số doanh nghiệp có nhu cầu thực sự lại không đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng như tài sản thế chấp, phương án sản xuất, tính khả thi,…Chất lượng tín dụng cho vay của các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, nợ xấu cho vay doanh nghiệp chiếm 4,6% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp, trong đó nợ xấu ngành nông, lâm nghiệp và ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng cao lần lượt 6,5% và 5,9% do đó làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ chính thức bước vào cuộc cạnh tranh thị trường quyết liệt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trở thành hiện thực và 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN được xóa bỏ.  Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh cần chủ động cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và các tiêu chuẩn quốc tế… Ngoài việc các doanh nghiệp phải chủ động tự tìm hướng đi phù hợp cho mình, dựa trên tiềm năng, vị thế, đặc thù của từng vùng đất để khai thác, phát huy hết thế mạnh của nó, biến thách thức thành cơ hội, thì sự hỗ trợ của chính quyền địa phương bằng cơ chế, chính sách nắm giữ vai trò quan trọng để góp phần giúp doanh nghiệp vững vàng hội nhập.

 

 

Kim Bảo 

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready