Phát triển BHXH tự nguyện: Vận dụng các biện pháp tuyên truyền sáng tạo ngay từ cơ sở (17/05/2021, 08:32)

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động thực hiện các giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp, đảm bảo mục tiêu “kép”, vừa mở rộng hiệu quả diện bao phủ người tham gia BHXH tự nguyện, vừa đảm bảo đúng các quy định về phòng, chống dịch để đạt những kết quả nhất định.

Nỗ lực phát triển người tham gia BHXH tự nguyện

Năm 2017 (trước khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH), số người tham gia BHXH tự nguyện là 224.000 người. Sau khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW, thì số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 đạt trên 277.000 người, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017. Năm 2019 là gần 574.000 người, tăng 296.700 người (tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018), chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

 

Người lao động tìm hiểu BHXH tự nguyện. Ảnh: BHXH Bắc Giang

Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại, đánh dấu bước ngoặt mới trong công tác phát triển người tham gia BHXH của ngành BHXH Việt Nam.

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cũng như thiên tai, lũ lụt tại miền Trung, Tây Nguyên nhưng nhờ thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong công tác mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện với số người tham gia đạt 1,128 triệu người (tăng 554.000 người, gấp hai lần so với năm 2019), đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Bước sang năm 2021, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng ngay từ đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam đã áp dụng các giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người (giảm nhẹ so với hết năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng vẫn tăng 527.000 người so với cùng kỳ năm 2020).

Một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, như: Nghệ An (tăng 9.499 người so với năm 2020 và tăng 34.471 người so với cùng kỳ năm trước), Thái Bình (tăng 4.547 người so với năm 2020 và tăng 16.623 người so với cùng kỳ năm trước), Phú Thọ (tăng 3.679 người so với năm 2020 và tăng 17.575 người so với cùng kỳ năm trước), Thanh Hóa (tăng 2.655 người so với năm 2020 và tăng 30.676 người so với cùng kỳ năm trước), Quảng Nam (tăng 1.861 người so với năm 2020 và tăng 12.922 người so với cùng kỳ năm trước)…

Là một trong những địa phương đạt kết quả tốt trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, ông Phan Văn Rí - Giám đốc BHXH huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cho biết: Trong tháng 4/2021, BHXH huyện đã phát triển mới được 819 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người đang tham gia trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm lên 3.519 người, đạt và vượt hơn 3% so với kế hoạch của cả năm 2021 về số người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Phan Văn Rí, một trong những cách làm đạt hiệu quả của BHXH huyện là do đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp huyện, xã, bám sát người dân để vận động, tuyên truyền, đồng thời yêu cầu đội ngũ đại lý thu quản lý và vận động người dân tham gia liên tục. Hiện U Minh đang vào mùa khô, thời tiết tốt, người dân trên địa bàn đang có nguồn thu nhập mùa vụ ổn định, nên công tác vận động tham gia BHXH tự nguyện có nhiều thuận lợi. Dù vậy, BHXH huyện luôn hết sức chủ động, thường xuyên làm việc trực tiếp với chính quyền các xã, huy động sự tham gia của Bí thư Chi bộ từng thôn; giám sát, kiểm tra hoạt động của các đại lý một cách thường xuyên… để ngày càng có nhiều người dân trên địa bàn được tiếp cận, tham gia chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

Từ thực tế công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của BHXH huyện U Minh cho thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện hiệu quả công tác này. Đây cũng là minh chứng rõ nét của việc đưa nhiệm vụ, giải pháp “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” theo tinh thần Nghị quyết số 28 đi vào cuộc sống; nhiệm vụ, giải pháp này là điều kiện tiên quyết trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH tại các địa phương.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phù hợp 

Tháng 5/2021 là năm thứ hai triển khai tổ chức thực hiện “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” theo Quyết định số 1676/QÐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Ðề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Việc tổ chức “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” nhằm tạo điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH; thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện; tuyên truyền, khuyến khích vận động người dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.

“Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” năm nay (tháng 5/2021) được ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh truyền thông với chủ đề “BHXH cho tất cả mọi người lao động”, gắn với các nội dung truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, đặc biệt nhấn mạnh về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, qua đó, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa như: “Hướng tới mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân là góp phần xây dựng sự nghiệp an sinh bền vững”; “Tham gia BHXH là đầu tư cho tương lai”; “BHXH giúp bạn giảm bớt khó khăn về tài chính khi gặp rủi ro trong cuộc sống”; “Lương hưu và BHYT - Chỗ dựa tài chính lúc tuổi già”; “Tham gia BHXH là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình”;… hướng tới nhóm đối tượng đích gồm người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức.

Nhằm có những hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân”, phấn đấu hoàn thành đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung cũng như BHXH tự nguyện nói riêng trong tháng 5 và năm 2021, ngoài việc tiếp tục tham gia đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHXH Việt Nam xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển người tham gia, trong đó có một số giải pháp như: Tăng cường sự phối hợp vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng xã, phường, đại lý thu. Rà soát, phân loại và có số liệu chi tiết đối với các nhóm tiềm năng (theo độ tuổi, giới tính, công việc và thu nhập...) để tập trung tuyên truyền vận động có hiệu quả.

BHXH các địa phương tiếp tục đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền vận động cho đội ngũ đại lý thu; giao số chỉ tiêu cụ thể hằng tuần, tháng đối với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý. Tập trung rà soát, dừng triển khai đối với các điểm thu chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cũng chú trọng việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ, mua tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân nhằm hướng đến tính bền vững của chính sách an sinh xã hội cho nhân dân.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 5/2021, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành phối hợp với cơ quan Bưu điện cần linh hoạt, vận dụng các biện pháp sáng tạo ngay từ cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của cơ quan BHXH, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn trong công tác phát triển người tham gia.

Ông Trần Đình Liệu cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm, giai đoạn 3 năm…; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả.

Nhận định vai trò công tác truyền thông là tiên quyết, ông Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản truyền thông cho từng nhóm đối tượng, với nội dung, hình thức truyền thông cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm lý, mức thu nhập của nhóm đối tượng để truyền thông, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đạt hiệu quả.

 

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready