Đại hội Đảng bộ các cấp phải chọn khâu đột phá cho nhiệm kỳ 2020-2025 (07/08/2020, 09:27)

Đắk Lắk đã hoàn thành Đại hội cấp cơ sở ở 684/701 tổ chức cơ sở Đảng, đạt 97,5%. Các Đảng bộ cấp huyện và tương đương còn lại sẽ hoàn thành Đại hội trước 30/8/2020. Bên cạnh việc quan tâm đến công tác nhân sự đảm bảo chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý. Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra với đại hội Đảng bộ các cấp phải xây dựng Nghị quyết xuất phát từ thực tiễn địa phương và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Từ đó, mỗi đảng bộ mới xác định được hướng phát triển đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Giảm 5% số lượng cấp ủy viên

Theo Chỉ thị 35 góp phần để bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pắc - đại hội cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 41 ủy viên, giảm 3 người, tương đương 5% so với nhiệm kỳ vừa qua.

Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pắc nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh : Lê Thành)

Đồng chí Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc, Đắk Lắk cho biết: "Số lượng của Ban chấp hành giảm nhưng chất lượng đảm bảo. Các đồng chí có thể đảm nhận được nhiều cương vị. Chúng tôi nghĩ rằng, vấn đề giảm sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng hay nội dung công việc điều hành của Ban chấp hành".

Tại huyện Ea Súp, dự kiến Đại hội Đảng bộ huyện được tổ chức trong thời gian tới, cơ cấu cấp ủy cũng sẽ giảm 2 người so với hiện tại. Theo đề án nhân sự của huyện, số lượng cấp ủy khóa mới, được tiến hành đồng thời với Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa có hiệu lực.

Bí thư Đắk Lắk  tặng quà người dân tại buôn Ea M'droh, xã Ea M'Droh

Đồng chí Hoàng Thế Nghị, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ea Súp, Đắk Lắk cho biết: "Trước đây, có hai Phó Chủ tịch với 1 người phụ trách kinh tế, 1 người phụ trách văn xã. Khi còn lại một Phó Chủ tịch rõ ràng công việc tương đối nặng nề. Như vậy, việc lựa chọn con người phải đặt lên hàng đầu".

Hiện cả nước đang quyết liệt thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu quả hiệu lực của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Cụ thể hóa tinh thần này, Bộ Chính trị cũng chủ trương thực hiện giảm 5% số lượng cấp ủy viên cấp huyện, cấp tỉnh so với nhiệm kỳ hiện tại. Tinh thần là bộ máy giảm thì cấp ủy cũng phải giảm, đây cũng là quyết tâm trong thực hiện tinh gọn bộ máy.

Chọn khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới

Tại các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường nhấn mạnh, các đại hội cần phải xuất phát từ thực tiễn địa phương và yêu cầu của người dân mới có thể xác định được chủ trương và hướng đi đúng. Yêu cầu đối với đại hội từ xã, huyện đến tỉnh là báo cáo chính trị phải có số liệu cụ thể, lựa chọn được khâu đột phá cho nhiệm kỳ mới, trong đó có ưu tiên việc kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực tạo việc làm, xóa nghèo bền vững, phát huy khai thác hiệu quả tiềm lực của địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường phát biểu tại Hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2020-2025 tại Hà Nội (Ảnh : Báo Lao động)

Điển hình như Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pắc, xác định rõ tiềm năng lợi thế của huyện, từ đó định hướng phát triển KT-XH trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo phát triển diện tích cây dược liệu được nhiều địa phương khó khăn chọn nhằm giảm nghèo bền vững.Tại đây, mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu sả trở thành sinh kế của đồng bào dân tộc Xê Đăng. Mỗi hecta có thể giúp bà con thu về 60 triệu/năm. Đảng bộ huyện Krông Pắc đã xác định rõ tiềm năng lợi thế, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 3 nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tập trung xây dựng nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ; đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chế biến nông sản và du lịch cộng đồng.

Bỏ phiếu tín nhiệm về công tác cán bộ

 Hiện nay, xác định đúng khâu đột phá cho phát triển là bài toán khó. Thậm chí là rất khó với các địa bàn khó khăn. Hiện đang có tới gần 120 chính sách, trong đó trên 50 chính sách tác động trực tiếp tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nhưng việc giảm nghèo ở những nơi này vẫn chưa khi nào là một công việc dễ dàng. Để xác định các khâu đột phá, cần phải giá đúng tiềm năng, thế mạnh, tính đặc thù, lợi thế so sánh và đề ra được các giải pháp khai thác hiệu quả. Trong bối cảnh chính sách Nhà nước đang chuyển từ làm thay sang hỗ trợ thông tin, kết nối với thị trường, thì các đại hội càng cần phải xuất phát từ thực tiễn địa phương và yêu cầu của người dân mới có thể xác định được chủ trương và hướng đi đúng.

Kim Bảo

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready