Đắk Lắk ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore (09/06/2022, 09:00)

Ngày 8/6, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1 trường hợp bệnh Whitmore tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.

Theo đó, vào ngày 4/6, bệnh nhân N.T.V. (nữ, sinh năm 2013, trú tại thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) được người nhà đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên trong tình trạng tỉnh táo, sốt 39oC, tuyến mang tai 2 bên sưng to, cứng, không di động, góc hàm trái có điểm ấn mềm hoá mủ, đau nhiều, há miệng hạn chế, họng đỏ nhẹ loét chợt đầu lưỡi 1 nốt. Đến ngày 7/6, bệnh nhân sốt cao liên tục, nhiệt độ 41oC, áp xe tuyến mang tai 2 bên đã rạch, rỉ mủ máu. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei với chẩn đoán hậu phẫu áp xe tuyến mang tai 2 bên/ Nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei/ TD Viêm màng não.

Bệnh nhân bị bệnh Whitmore đang được điều trị tại cơ sở y tế (Ảnh tư liệu)

Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân khởi phát bệnh cách ngày nhập viện khoảng 10 ngày với triệu chứng sốt cao, kèm sưng, đau vùng mang tai 2 bên. Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 3 ngày (không rõ loại) nhưng không giảm nên đưa bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, CDC đã nhanh chóng phản hồi thông tin cho đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan.

Sử dụng gang tay khi tiếp xúc với đất nhiễm bẩn nhằm phòng tránh bệnh Whitmore (Ảnh minh họa)

Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da. Bệnh thường gặp ở Bắc Úc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận năm 1925, sau đó bệnh xuất hiện tại các địa phương trong cả nước và gia tăng trong thời gian gần đây. Tại Đắk Lắk, đây là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính,...) có nguy cơ cao mắc bệnh. Thời kỳ ủ bệnh từ 1 - 21 ngày, có thể kéo dài và khó xác định. Nhiễm trùng Burkholderia Pseudomallei có thể là nhiễm trùng tiềm ẩn và tái kích hoạt giống bệnh lao.

Minh Huệ

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready