Đắk Lắk tăng cường kiểm soát hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng (12/08/2020, 07:18)

Sau 01 năm  thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh trấn áp mạnh đối với các đối tượng, băng nhóm tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động này. Thời gian tới, tỉnh đề ra nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều tra, xử lý nhằm hạn chế hoạt động “tín dụng đen” theo phương thức mới, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Trước khi Chỉ thị 12 được ban hành, trên địa bàn tỉnh tình trạng hoạt động “tín dụng đen” có diễn biến phức tạp. Thống kê từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ðắk Lắk cho biết: Từ năm 2018 đến nay, tình trạng hoạt động "tín dụng đen" diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, lôi kéo người dân vay tiền. Một số vụ án điển hình như : đối tượng Đỗ Quang Dũng và Phạm Xuân Quang (Hải Phòng) cho vay lãi suất từ 182,5% đến 200%; đối tượng Phạm Xuân Tĩnh (Tp.BMT) lãi suất 500-1 triệu đồng/ngày; đối thượng Bùi Văn Thịnh (Hải Phòng) cho vay 2 tỷ đồng, lãi suất 180-730%/năm. Ðể né tránh pháp luật, trong các giấy tờ vay tiền, các đối tượng không ghi lãi suất vay, hoặc chuyển qua hình thức lập giấy mượn tiền, hợp đồng mua bán tài sản, thỏa thuận bằng lời nói. Các đối tượng thu hồi nợ vay và lãi suất với nhiều hình thức nhằm xóa dấu vết… Ði cùng hoạt động "tín dụng đen" là các băng nhóm đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, chiếm đoạt tài sản. Phương thức thủ đoạn hoạt động có xu hướng mở rộng địa bàn đến dân cư vùng sâu, núp bóng cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, bán vé máy bay, cho thuê xe tự lái…

Công an tỉnh triệt phá băng nhóm “Tín dụng đen” vào tháng 7/2020 (Ảnh: Vietnamnet)

Kể từ khi Chỉ thị 12/CT-TTg có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành để chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung ban hành văn bản chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tội phạm tín dụng đen. Điển hình như, Quy trình xử lý các số điện thoại quảng cáo, rao vặt và chủ thuê bao điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định trên địa bàn tỉnh; công tác phòng ngừa, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đến nay, công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động “tín dụng đen” tỉnh Đắk Lắk đã rà soát 465 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 128 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

Với quyết tâm đấu tranh, xử lý triệt để với hoạt động này, Công an tỉnh đã phối hợp phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được 752 buổi với hơn 141.300 lượt người tham dự. Với mô hình “Kết nối mạng xã hội- Bình yên cho mỗi gia đình”, qua đó đã xây dựng 626 nhóm zalo do lực lượng Công an quản lý để tương tác với người dân, đăng 4.056 bài viết có nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến tín dụng đen với hơn 1,6 triệu lượt xem. Phát động phong trào ra quân “Thứ 7 tình nguyện” “Chủ nhật Xanh” tháo bỏ các bảng quảng cáo, rao vặt trái phép, nhất là quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản. Tổ chức 40 đợt diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân trên địa bàn về an ninh, trật tự. Trong năm 2019, Công an tỉnh đã làm tan rã 25 nhóm, 106 đối tượng, 83 đối tượng hoạt động riêng lẻ; khởi tố 03 vụ và 05 bị can về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Bên cạnh đó, Sở TT&TT phối hợp với lực lượng liên quan kiểm tra thống kê và lưu hình ảnh 30 số điện thoại và chủ thuê bao điện thoại quảng cáo sai quy định trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Trong đó, Sở đã đề nghị tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông với 05 số thuê bao; phối hợp cơ quan chức năng xử lý 25 cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Các đối tượng trong một băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn huyện Ea H'leo vừa bị Công an xử lý. Ảnh: T.Minh

Kiểm soát “tín dụng đen” trên không gian mạng

Tại buổi lễ ra quân thực hiện cao điểm trấn áp các loại tội phạm năm 2020, Đại tá Lê Văn Tuyến – Giám đốc Công an tỉnh cho biết, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển từ hoạt động riêng lẻ di chuyển về vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt nổi lên là việc chuyển từ cho vay theo hình thức truyền thống sang vay trên ứng dụng điện thoại di động, mạng internet. Điều này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, xử lý. Tuy nhiên, Công an tỉnh sẽ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và mô hình zalo để tiếp nhận tin báo tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp “bảo kê”, tiếp tay, làm ngơ cho các nhóm, đối tượng cho vay “tín dụng đen” hoạt động.

Để nâng cao nhận thức cho người dân, trong năm 2020, UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong giao dịch dân sự. Tuyên truyền, thông báo các phương thức thủ đoạn cho vay trong giao dịch dân sự mới như: Cho vay qua di động, không gian mạng…Những hậu quả khi tham gia giao dịch tín dụng đen để người dân cảnh giác và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

Đoàn viên thanh niên TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với lực lượng công an ra quân xóa quảng cáo, rao vặt liên quan đến "tín dụng đen".( Ảnh: Vân Anh)

Tỉnh Đắk Lắk đang kiến nghị Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2015 tại Điều 201 theo hướng tăng nặng hình phạt để đủ sức răn đe các đối tượng cho vay nặng lãi. Kiến nghị Bộ TTTT tăng cường kiểm soát các hoạt động thông tin, quảng cáo, cho vay trên mạng viễn thông và trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Kim Cương – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua thống kê từ ngày 25/4/2019 đến 31/5/2020 toàn tỉnh có 160 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thuộc 03 nhóm nghề liên quan đến hoạt động cầm đồ, cho thuê tài chính, đòi nợ. Để hạn chế tình trạng người dân vay tiền từ đối tượng cho vay nặng lãi, Ngân hàng cũng chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân gói tín chấp 5.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ. Ngân hàng tiếp tục giám sát chặt chẽ các quy trình đăng ký, cấp phép hành nghề đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về cho vay theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ngân hàng triển khai các giải pháp cho vay vốn bằng biện pháp như: Thành lập và duy trì các Tổ tiết kiệm và vay vốn, Qũy hỗ trợ của nông dân thuộc Hội Nông dân, Qũy hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thuộc Hội LHPN tỉnh… Truyền thông đa kênh về các chương trình tín dụng ưu đãi, tín dụng đặc thù; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong hệ thống phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn và sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả.

Kim Bảo

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready