Đắk Lắk tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững (09/06/2022, 15:30)

Đắk Lắk nằm ở Trung tâm vùng Tây Nguyên, là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia như cà phê, cao su, tiêu, ca cao. Để phát huy toàn diện những tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng chất lượng cao, bền vững cần có một hệ thống các giải pháp toàn diện.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, với hơn 13.000 km2, có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, diện tích mặt nước nuôi trông thủy sản khá lớn và điều kiện khí hậu phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của đa số các loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là cây công nghiệp như: cà phê, cao su, tiêu, ca cao; cây ăn quả có giá trị như: sầu riêng, bơ, cây có múi, cây rừng, dược liệu.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm mô hình nông nghiệp cà chua NOVA –Công ty TNHH Ban Me Green Farm tại TP. Buôn Ma Thuột (ảnh: Kim Bảo)

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có trên 210.000 ha cà phê, 34.000 ha cao su, 32.000 ha hồ tiêu, trên 43.000 ha cây ăn quả, khoảng 110.000 ha lúa, 94.000 ha ngô; trên 14 triệu con con gia súc, gia cầm; 170.000 ha đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, có kết hợp sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích trên 600ha. Đồng thời, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cũng đang thúc đẩy đầu tư Khu công nghiệp Phú Xuân, tại huyện Cư M’gar với quy mô hơn 300ha, ưu tiên thu hút các dự án chế biến nông lâm sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặc trưng đã mang đến cho tỉnh tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhất là thủy điện, điện gió, điện mặt trời..., cùng hệ thống truyền tải thuận lợi, là nguồn năng lượng dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk là thị trường có sức tiêu thụ hàng hoá và sản phẩm nông nghiệp hàng đầu ở khu vực; đồng thời cung cấp được lực lượng lao động đông đảo, có chất lượng cho nhu cầu của tỉnh và nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài ra tình có cơ sở hạ tầng phát triển nhất trong số các tỉnh vùng Tây Nguyên; tập trung nhiều cơ sở đào tạo, trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều công nghệ mới được ứng dụng vào sản xuất cà phê từ đó tăng năng suất, tăng chất lượng

Theo TS. Đinh Khắc Tuấn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk, cần nhận thức ý nghĩa tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng. Tỉnh Đắk Lắk cần thường xuyên phổ biến, tuyên truyền đến người dân áp dụng các kiến thức, thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất vào sản xuất và đời sống. Đầu tư xây dựng và phát triển vùng, khu và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực chất lượng cao, bền vững để phát triển kinh tế của tỉnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Kinh tế tỉnh Đắk Lắk đạt được nhiều kết quả khả quan, tăng trưởng kinh tế (GRDP – theo giá so sánh năm 2010) bình quân đạt 8,75%; quy mô nền kinh tế tăng cao, năm 2020 ước đạt 62.000 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần năm 2015. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, bình quân 10%/năm; tổng thu cân đối 5 năm đạt 30.678 tỷ đồng, bằng 7,4% GRDP (cao hơn giai đoạn trước 0,5%).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn (đứng thứ 3 từ trái sang) và các đại biểu thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương tại Hội thảo khoa học về phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn, cho biết trong những năm qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng toàn diện. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,5%; sản xuất nông nghiệp đang tập trung phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường, bước đầu đã phát huy được tiềm năng lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên, để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, địa phương đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Bá Lục

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready