Đắk Lắk thúc đẩy ngoại giao kinh tế: Chính quyền mở đường- Doanh nhân mở cõi (10/02/2024, 20:12)

Thời gian qua, các hoạt động đối ngoại của tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều khởi sắc theo xu hướng gia tăng nội hàm kinh tế trong các sự kiện ngoại giao. Qua đó, chính quyền đã chủ động kết nối tạo tiền đề cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại, hợp tác kinh tế với nhiều đối tác nước ngoài đóng góp nguồn lực quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính quyền mở đường

Theo đánh giá UBND tỉnh, năm 2023 công tác ngoại giao kinh tế không ngừng được đẩy mạnh với phương châm "Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm", tỉnh đã tạo thuận lợi cho 05 đoàn doanh nghiệp đi tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại tại Lào, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan; chuẩn hoá quy trình cấp phép cho doanh nhân sử dụng thẻ ABTC; tổ chức các đoàn công tác có sự tham gia của các doanh nghiệp đi Ấn Độ gặp gỡ chính quyền bang Kerala và một số đối tác tiềm năng về hợp tác du lịch và xuất khẩu nông sản của tỉnh; tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm trồng và thương mại sầu riêng tại Thái Lan.

Đoàn công tác làm việc với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Quốc tế Millennial Ấn Độ (MIICCIA)

Bên cạnh đối ngoại đa kênh, tỉnh còn tổ chức 2 đoàn đi làm việc với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; thăm hữu nghị tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) nhằm tăng cường hợp tác phái cử lao động thời vụ; tham gia gặp gỡ các đối tác Ả-rập Xê-út và Pháp tại các hội nghị do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội.

Lĩnh vực xúc tiến thương mại được xem là kênh hỗ trợ hiệu quả để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thêm đối tác nước ngoài. Năm qua, Sở Công Thương đã tổ chức đoàn giao dịch thương mại gồm 20 DN của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông tham gia Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối giao thương nông sản, thực phẩm Tây Nguyên giữa Việt Nam – Hàn Quốc; hỗ trợ 11 DN tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 và Hội chợ sản phẩm lên men quốc tế (IFFE) năm 2023 tại tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc).

Các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh và quảng bá những sản phẩm thương hiệu đến với doanh nghiệp Hàn Quốc.

Qua đó, đã giúp các doanh nghiệp của tỉnh ký 77 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị phân phối, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trong cả nước; ký kết 21 cặp biên bản hợp tác, thỏa thuận đầu tư máy móc, trang thiết bị với DN Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ở lĩnh vực nông nghiệp,  nhiều doanh nghiệp của Đắk Lắk tham gia chuyến công tác cấp địa phương  ký kết hợp tác, đặt kênh kết nối cung ứng nông sản ở thị trường Ấn Độ. Qua chuyến công tác tháng 11/2023, các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk đã ký kết 14 bản ghi nhớ hợp tác với đối tác Ấn Độ trong các lĩnh vực: xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Ấn Độ, phối hợp triển khai mô hình du lịch sầu riêng và thúc đẩy du lịch hai chiều giữa tỉnh Đắk Lắk và bang Kerala.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho biết, bên cạnh ký kết hợp tác với  tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), hiện nay UBND tỉnh đang có quan hệ hợp tác với chính quyền tỉnh Orkhon (Mông Cổ), Champasak (Lào). Bên cạnh đó, TP. Buôn Ma Thuột cũng có sự hợp tác với Hội đồng TP. Goulburn (Úc). Dự kiến năm 2024, UBND tỉnh sẽ phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp và đầu tư Ấn Độ - Các tỉnh Tây Nguyên để mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn nữa.

Kế hoạch đối ngoại của tỉnh trong năm 2024 của tỉnh Đắk Lắk chú trọng đổi mới nội dung và phương thức triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Triển khai có hiệu quả các chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư của tỉnh, trong đó chú trọng việc chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc trên cơ sở đảm bảo yếu tố môi trường, phát triển bền vững; ưu tiên các ngành trọng điểm- ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.

Doanh nhân mở cõi

Thống kê tỉnh Đắk Lắk, năm 2023 có 393 đoàn với 1.770 lượt người đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với tỉnh (tăng 215 đoàn/1.198 lượt người so với cùng kỳ năm 2022). Giá trị xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu gồm: cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm ong, cao su ước đạt 1.249 triệu USD, đạt 78,1% kế hoạch năm, tăng 8,49% so với cùng kỳ năm 2022. Có thể nhận thấy thành quả các hoạt động ngoại giao kinh tế đã tạo kênh kết nối hiệu quả cho doanh nghiệp nước ngoài lẫn doanh nghiệp địa phương.

Doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu sản phẩm công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm

Tham gia chuyến đi xúc tiến hợp tác mặt hàng sầu riêng tại Thái Lan, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm nhận định, chuyến đi khảo sát vừa qua có các nhà quản lý, chuyên gia, DN, HTX am hiểu, tâm huyết với nông nghiệp và nhất là cây sầu riêng. Đoàn công tác đã có những đánh giá rất sát để từ đó rút ra bài học giúp ngành hàng sầu riêng của Đắk Lắk phát triển trong thời gian đến. Doanh nghiệp được học tập nhiều kinh nghiệm của Thái Lan về làm thương hiệu ngành hàng sầu riêng cần có sự hợp tác ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp nhà vườn, trong đó cần có sự hợp tác của người làm vườn, thương lái và cả khu vực Chính phủ. Bên cạnh đó, chuyến tiếp xúc gặp gỡ với doanh nghiệp Bang ODISHA- Ấn Độ đã mang lại tín hiệu tích cực về sản phẩm ớt và sầu riêng cấp đông. Hiện đang là thời điểm doanh nghiệp chuẩn bị mẫu mã các đơn hàng cho mùa vụ mới để giới thiệu đến đối tác năm 2024.

Đoàn doanh nghiệp Đắk Lắk tại Hội chợ triển lãm quốc tế Thaifex Anuga 2023.

Với mục tiêu xây dựng đa kênh tiêu thụ ở thị trường quốc tế, ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE cho biết: “Các sản phẩm của MISS EDE đang được phân phối chủ yếu trên kênh bán lẻ du lịch, năm 2023, công ty đã tham gia trên 20 sự kiện xúc tiến thương mại nội địa và 4 chương trình triển lãm quốc tế, gửi sản phẩm các Sở, ngành quảng bá kết nối với người tiêu dùng. Qua đó, công ty đã phát triển thêm được 10 đại lý bán lẻ trong nước, tiếp cận với hơn 80.000 lượt người tiêu dùng nước ngoài. Hiện, công ty cũng đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu chính ngạch với Tập đoàn Central Retail Thái Lan và những đơn hàng thử nghiệm với một số đối tác bán lẻ Hàn Quốc”.

 

Người tiêu dùng tại tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc yêu thích và mua sắm cà phê Buôn Ma Thuột

Tham gia chương trình gặp mặt doanh nghiệp bang ODESHA -Ấn Độ và tỉnh Đắk Lắk, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Balasore (bang Odisha - Ấn Độ) cho hay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Balasore hiện đang đại diện cho 49 DN tại bang Odisha trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.  Trong thời gian tới, với vai trò thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại Ấn Độ thông qua kết nối DN trong và ngoài nước, đơn vị sẽ là cầu nối, kiến tạo cơ hội hợp tác giữa các DN Đắk Lắk và thành viên của mình thông qua trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo... Chúng tôi sẽ đồng hành cùng Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch quảng bá về Đắk Lắk thông qua các chiến dịch truyền thông và sẽ mời một số công ty tại Ấn Độ quan tâm đến tìm hiểu ở Đắk Lắk.

Mới đây, đại diện thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) cũng đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu về triển vọng hợp tác. Ông Oh Jun Hwan, Giám đốc Hội chợ hoa thành phố Goyang Thành phố Goyang đề xuất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gyeonggi có thể kết nối xây dựng tour du lịch và cùng kết hợp tổ chức quảng bá Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột với Lễ hội hoa của thành phố Goyang. Bên cạnh cạnh đó, hai bên có tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực: sản xuất xe máy, công nghiệp điện ảnh, văn hóa và du lịch. Hỗ trợ  hợp tác với Đắk Lắk về chế biến, xuất nhập khẩu cà phê, tổ chức triển lãm, hội nghị giao thương quốc tế về các sản phẩm cà phê, công nghệ chế biến cà phê tại Hàn Quốc.

Tín hiệu vui ngay đầu năm 2024, từ những bản ký kết ghi nhớ, các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản đã chủ động đặt hàng cho doanh nghiệp Đắk Lắk đưa nông sản Đắk Lắk xuất khẩu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thị trường quốc tế.

Qua những thành tựu bước đầu cho thấy với sự cộng hưởng của công tác ngoại giao kinh tế và hoạt động đối ngoại đã huy động được sự tham gia, hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, sự chủ động và phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các địa phương trong tỉnh. Kết quả này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Đắk Lắk mở ra bức tranh đối ngoại sôi động trong thời gian đến.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready