Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến góp ý dự thảo luật (06/03/2020, 15:07)

Sáng 6/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự thảo Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp. Đồng chí Y Khút Niê,  Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Góp ý dự thảo Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án, hầu hết các ý kiến nhất trí cho rằng việc xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu hiện tại để giải quyết một số vướng mắc trong công tác tiến hành tố tụng hành chính, dân sự nói chung, nhằm mục tiêu giảm tải cho cơ quan tiến hành tố tụng.


Đồng chí Y Khút Niê,  Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp

Tuy nhiên, để dự thảo Luật hoàn thiện hơn nữa, các đại biểu cho cho rằng, tại điều 4 việc bảo mật thông tin trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án rất quan trọng, là một trong những ưu điểm nổi bật của dự thảo Luật. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm thì nên có chế tài cụ thể để đảm bảo tính khả thi của Luật, không nên chỉ có quy định chung chung là bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với khoản 2 Điều 4 trong quá trình hòa giải, đối thoại nếu không được ghi âm, ghi hình thì cần phải có biên bản ghi nhận kết quả để lưu vào hồ sơ, đối chứng. Về lệ phí hòa giải, lệ phí đối thoại tại Tòa án ở Điều 7 các ý kiến cho rằng khi đã xác định hòa giải, đối thoại là hoạt động thường xuyên thì cũng cần thu lệ phí đối với biểu/mức thu hợp lý để chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước; Đối với điểm C, khoản 1 điều 9 về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án bên cạnh chi phí tiếng nước ngoài thì cần bổ sung thêm chi phí tiếng dân tộc thiểu số...

Đại biểu tham gia góp ý tại cuộc họp

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, các đại biểu cho rằng, việc bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao  vào tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự tại khoản 4 điều 12 là hết sức cần thiết vì điều này bảo đảm tính khách quan, độc lập trong tổ chức giám định; Đối với điều 15 về điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp các ý kiến cho rằng giám định viên tư pháp được thành lập văn phòng tư pháp phải đủ điều kiện 5 năm trở lên là giám định viên tư pháp thay vì 3 năm như dự thảo luật quy định vì đây là những người đại diện xử lý những vụ việc dân sự, vụ án hình sự đòi hòi tiêu chuẩn quy định cao; Riêng đối với thời gian giám định tại điều 26a, ngoài yêu cầu thời hạn giám định tư pháp cần ấn định rõ nghĩa vụ người thực hiện giám định.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Y Khút Niê, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến tại hội nghị sẽ được Đoàn tổng hợp trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Kim Bảo

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready