Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk triển khai hiệu quả Nghị quyết 28-NQ/TW (23/12/2019, 15:17)

Kể từ khi Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa 12 về cải cách chính sách BHXH được ban hành, BHXH tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN),bảo hiểm y tế (BHYT); phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã trao đổi với ông Tạ Đức Hậu – Phó Giám đốc BHXH tỉnh về vấn đề này.

BTV:  Thưa ông, thời gian qua, BHXH tỉnh đã triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH trên địa bàn như thế nào, đâu là kết quả nổi bật?

Đạt được những kết quả tích cực trên là do toàn ngành đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết 28-NQ/TW một cách nghiêm túc, sâu rộng; giúp cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nhận thức và nắm vững các quan điểm của Đảng về cải cách chính sách BHXH, có tư duy và hành động cụ thể trong việc triển khai thực hiện nghị quyết ngay tại cơ sở. BHXH tỉnh đã kịp thời xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tại địa phương tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động của địa phương; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện nghị quyết. Ngành BHXH đã cụ thể hóa, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện vào chương trình, kế hoạch công tác của ngành ngay từ quý 4 - 2018 và năm 2019; chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa Chương trình hành động nêu trên thành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của từng đơn vị, phù hợp với điều kiện cụ thể, đảm bảo góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra.

Cán bộ BHXH huyện M’Drắk tuyên truyền các chính sách, bảo hiểm đến lực lượng công an viên, thôn đội trưởng xã Cư Prao. (Ảnh: Thúy Hồng)

Cùng với đó, BHXH tỉnh đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử với các doanh nghiệp, đến nay đã có 2.860 đơn vị thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, tăng 1.103 đơn vị so với năm 2018, chiếm 67% tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh; việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính tiếp tục triển khai quyết liệt. BHXH đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xã, thành phố rà soát các thủ tục hành chính do BHXH Việt Nam ban hành thuộc các lĩnh vực từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT để đánh giá toàn diện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, các quy định của Ngành có liên quan đến thủ tục hành chính. Từ đó kịp thời kiến nghị BHXH Việt Nam bãi bỏ hoặc sửa đổi thủ tục không phù hợp, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của cá nhân, tổ chức. Đồng thời không quy định thêm các thủ tục ngoài quy định, không yêu cầu cá nhân, tổ chức bổ sung hồ sơ ngoài thành phần thủ tục hành chính.Đối với việc cập nhật, công khai thủ tục hành chính, trong năm, BHXH tỉnh đã niêm yết công khai thủ tục hành chính thay thế trong lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, BHTN thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam theo Quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 24/6/2019 của BHXH Việt Nam.

Bà Hồ Thị Thu Nga (bìa phải), đại lý thu BHXH tự nguyện của thị trấn M’Đrắk tuyên truyền cho người dân về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. (Ảnh: Kim Oanh)

Ước đến hết năm 2019, Đắk Lắk có 10,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 0,6% lực lượng lao động trong độ tuổi; 8,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có 33,4% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 99% (đối với các hồ sơ theo quy định phải thực hiện giao dịch điện tử). Bên cạnh đó thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015 của Bộ tư pháp, Bộ công an, Bộ y tế về việc hướng dẫn liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đắk Lắk là 1 trong 13 tỉnh được thí điểm liên thông bắt đầu triển khai từ ngày 16/10/2019 đến nay BHXH tỉnh đã liên thông đến tất cả các xã, phường, thị trấn và cấp thẻ cho trẻ em từ dữ liệu của ngành Tư pháp.

BTV: Năm 2020, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục cải cách chính sách BHXH, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành. BHXH tỉnh sẽ triển khai như thế nào, nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành là gì thưa ông?

Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, nghiệp vụ ngành trong những năm qua được quan tâm đặc biệt, toàn ngành đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình BHYT, Xây dựng hệ thống cấp mã định danh người tham gia BHXH, BHYT, thống nhất toàn quốc, đảm bảo mỗi người dân chỉ được cấp duy nhất một mã số BHXH. Toàn ngành hiện có 27 thủ tục thì có đến 17 thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 mước độ 4. Đã triển khai giao dịch điện tử về BHXH, BHYT trên 90% những hồ sơ theo quy định phải giao dịch điện tử. Thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015 của Bộ tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế về việc hướng dẫn liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho Trẻ em dưới 6 tuổi. Đắk Lắk là 1 trong 13 tỉnh được thí điểm liên thông bắt đầu triển khai từ ngày 16/10/2019 đến nay BHXH tỉnh đã liên thông đến tất cả các xã, phường, thị trấn và cấp thẻ cho trẻ em từ dữ liệu của ngành Tư pháp.

Năm 2020, toàn ngành BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị sử dụng lao động, phấn đấu đạt trên 95% số hồ sơ giao dịch điện tử trên tổng số hồ sơ tiếp nhận; Duy trì có hiệu quả việc liên thông cơ sở dữ liệu, chú trọng việc liên thông hệ thống thông tin giám định BHYT với cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH.  Tiếp tục rà soát, hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, bổ sung kịp thời dữ liệu phát sinh mới, cấp mã số BHXH cho người tham gia. Thu thập, cập nhật thông tin người tham gia BHXH, BHYT đầy đủ để phục vụ Hệ thống tương tác đa phương tiên của ngành. Ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; hoàn thiện các phần mềm; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành BHXH; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

BTV: Từ khi triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW, kết quả phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn có nhiều chuyển biến, ông có thể đánh giá thêm về cách thức triển khai và giải pháp mở rộng đối tượng tham gia trong thời gian đến ?

Tính đến hết tháng 11/2019 có 108.183 người tham gia BHXH (chiếm 10,15% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia), trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện 6.754 người (chiếm 0,6% lực lượng lao động) từ khi triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW đã có thêm 4.249 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 231% so với thời điểm chưa triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW.

Có thể thấy, nhiều địa phương trong tỉnh đã đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp, chú trọng đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện và người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đặc biệt, có những mô hình, cách làm sáng tạo như ở xã Ea Mdoal (H.M’Đrắk) đã trích từ tiết kiệm nguồn chi thường xuyên của ngân sách xã để hỗ trợ mua BHXH tự nguyện cho đối tượng là công an viên và thôn đội trưởng của xã…

Ông Tạ Đức Hậu – Phó Giám đốc BHXH tỉnh trả lời phỏng vấn của Cổng TTĐT tỉnh

Bên cạnh đó, ngành BHXH Đắk Lắk cũng đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, vươn tới các khu dân cư ở xa trung tâm, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại phức tạp... Đến nay, toàn tỉnh có 203 đại lý với 730 điểm thu và gần 1.800 nhân viên làm công tác thu BHXH tự nguyện. Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng dần đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. Trong 10 năm qua, số người tham gia BHXH tự nguyện, số người hưởng chế độ hưu từ BHXH tự nguyện cũng tăng dần qua từng năm. Năm 2009 toàn tỉnh chỉ có 255 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến hết tháng 2.2019 trên địa bàn tỉnh đã có 3.880 người tham gia.

Với số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng qua các năm, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh ở các địa bàn, hoạt động phát triển BHXH tự nguyện ở Đắk Lắk được kỳ vọng tiếp tục chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Để tạo điều kiện cho người dân tham gia BHXH tự nguyện thuận lợi, dễ dàng, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh Đắk Lắk đã có các giải pháp nhằm mở rộng đối tượng tham gia; trong đó tập trung tuyên truyền các chính sách ưu đãi của Nhà nước khi tham gia BHXH tự nguyện, với các hình thức qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trong các hội nghị, truyền thông trực tiếp đến cơ sở...

Xin cám ơn ông!

Kim Bảo thực hiện

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready