Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường mới (08/03/2022, 15:00)

Trong bối cảnh dịch Covid-19, thói quen mua sắm, sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đi kèm. Vì vậy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường mới đang đặt ra không ít thách thức cho lực lượng chức năng.

Sở, ngành đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP

Theo nhận định của cơ quan chức năng, mua sắm online đã phát triển nhanh chóng dần trở thành xu hướng mới của nhiều người. Các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng nhanh chóng có mặt trên các nền tảng số để đến với khách hàng.

Người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, cả thế giới hàng hoá dịch vụ từ xa xỉ, cao cấp, đến hàng tiêu dùng hàng ngày; từ các trang mua sắm nước ngoài đến trong nước, hay siêu thị, cửa hàng tại địa phương … chỉ cần vài phút để chọn lựa, đặt hàng là có thể hoàn thành các giao dịch mua bán. Tuy nhiên, thực tế cũng không ít trường hợp gặp phải rủi ro khi mua hàng qua mạng.

Bộ phận trực quầy tư vấn đơn hàng online của một siêu thị trên đường Lê Duẩn (TP.Buôn Ma Thuột)

Là đại diện cho một nhãn hàng tại khu vực Tây Nguyên, chị Nguyễn Hoàng Loan Thanh ở phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột tranh thủ lúc làm việc tại cửa hàng, vừa lên mạng đi chợ online. Chị chia sẻ, sau những đợt giãn cách xã hội, chị đã quen với việc đi chợ online. Các siêu thị trên địa bàn đều có trang bán hàng online, giao hàng miễn phí, thậm chí các bà, các chị bán hàng ngoài chợ cũng đã cập nhật số điện thoại,  zalo, mesenger ... cần mua gì chỉ cần nhắn là hàng giao đến tận nhà. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa thì không được như kỳ vọng.

Nhân viên Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột chuẩn bị hàng hóa theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng

Trường hợp Chị Phạm Thị Giang, xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho hay: Cách đây không lâu, khi nhìn thấy một chiếc váy khá ưng, chị liền đặt hàng nhưng vài ngày sau  hàng nhận về hoàn toàn không như ý, trước đó cũng không ít lần chị mua phải son môi, mỹ phẩm kém chất lượng.

Tương tự trường hợp chị Nguyễn Khánh Ly ở xã CưEbur, thành phố Buôn Ma Thuột thì mặc dù chị không đặt hàng, nhưng không biết thế nào mà hàng vẫn về đúng địa chỉ, người nhà cứ thế nhận, kiểm tra thì shop không biết ở đâu, số điện thoại không tồn tại, shiper thì đi tự lúc nào, tiền thanh toán cũng đã xong.

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương)- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk cho biết: Các hành vi gian lận thương mại luôn song hành trên thị trường kể cả kênh truyền thống lẫn online. Công tác quản lý thị trường đã được tỉnh tăng cường kiểm tra trực tiếp và cả kênh thương mại điện tử.   

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng kêu gọi mỗi doanh nghiệp cần chủ động tận dụng tốt hơn các nền tảng online để tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường, cũng như giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, chất lượng, giá cả hàng hoá … Đồng thời, mỗi người tiêu dùng cần chủ động cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông thái – ông Lưu chia sẻ.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng quá dễ dàng và nhanh chóng khi mua sắm qua mạng, điều này cũng làm xuất hiện và gia tăng tình trạng chi tiêu quá nhiều, thậm chí quá mức thu nhập của bản thân và gia đình.  

Bên cạnh đó là các nguy cơ vi phạm quyền lợi khi nhiều hoạt động kinh doanh lừa đảo cũng tranh thủ không gian này để tiếp cận người tiêu dùng, không ít trường hợp mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, bảo mật thông tin cá nhân …Đây chính là những thách thức mới đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện mới hiện nay.

Ngày 16/2/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có kế hoạch số 34 triển khai Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022. Việc tổ chức các hoạt động cần linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh SARS-CoV-2 (“COVID-19”), hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động kinh doanh, đồng thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cho những người tham gia, xây dựng và phát triển các thói quen, kỹ năng tiêu dùng phù hợp với tình trạng bình thường mới.

Chủ đề của ngày Quyền của người tiêu dùng 15/3 năm nay là “Tiêu dùng an toàn trong điều kiện bình thường mới” nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ người tiêu dùng.

 

Kim Bảo

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready