Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án tái canh cà phê giai đoạn giai đoạn 2021-2025 (24/06/2022, 14:26)

Sáng 24/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk  tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 và định hướng cho giai đoạn 2021-2025”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, ngành, Trung ương và Lãnh đạo các địa phương; đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng, lãnh đạo Sở, ngành trong tỉnh

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, Đề án đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho ngành cà phê Việt Nam cụ thể là việc tái canh đã giúp tăng năng suất và sản lượng, lũy kế đến năm 2020 diện tích tái canh cà phê và ghép cải tạo đạt gần 150 nghìn ha, vượt 30 nghìn ha so với kế hoạch. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại Hội nghị

Tổng diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo các tỉnh trong phạm vi đề án giai đoạn 2011-2021 là 166.579,2 ha. Chương trình tái canh cà phê đã đem lại một số hiệu quả như: trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi. Năng suất của các vườn tái canh đạt trung bình 2,8 tấn/ha vượt 0,1 tấn/ha so với mục tiêu.

Để đạt được kết quả đáng khích lệ này là do được chỉ đạo có hiệu quả của các Bộ ngành TW, Ngân hàng Nhà nước, sự triển khai tích cực, đồng bộ của các địa phương, dự án VnSAT, sự chủ động phối kết hợp của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam với người trồng cà phê và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê.

Tiến sĩ Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tham luận tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, tiếp nối thành công của đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025. Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Triển khai Đề án tái canh giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế của địa phương. Đối với các diện tích cà phê không có tưới, đất quá dốc, tầng đất mỏng chuyển đổi sang cây trồng khác; Diện tích cà phê già cỗi bắt buộc phải tái canh thì cần xác rõ định diện tích có thể tái canh ngay, diện tích cần phải luân canh 1 năm, 2 năm hay 3 năm…, kết hợp trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm theo Quy trình đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để nhân nhanh các giống mới đưa vào tái canh.

Ông  Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng cục trồng trọt báo cáo tham luận tại hội nghị

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025,  trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng khẳng định, tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê.

Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên có cơ hội trao đổi, thảo luận, tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến công tác tái canh của ngành cà phê Việt Nam; đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đồng thời, cũng là dịp để các tỉnh trồng cà phê nhìn nhận đánh giá kết quả đã đạt được, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó đề ra các giải pháp điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam.

Bên cạnh đó, những ý kiến kinh nghiệm đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân sẽ góp phần giải quyết những tồn tại, khó khăn của ngành sản xuất cà phê, tạo bước đột phá đối với công tác chuyển đổi giống, giúp nâng cao năng suất và chất lượng cà phê thương phẩm, giúp cho ngành sản xuất cà phê cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng ngày càng phát triển.

 

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready