Cần chủ động nguồn cung, tự chủ vắc xin để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả (10/11/2021, 09:01)

Ngày 9/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo KT-XH, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, đồng thời cho rằng trong bối cảnh hiện tại, việc học trực tuyến không thể thay thể việc học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu để bảo đảm cung cấp kiến thức và an toàn cho người học.

Quang cảnh phiên làm việc (Ảnh: Quochoi.vn)

Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến còn tồn tại một số khó khăn, bất cập như đường truyền không ổn định, một số giáo viên gặp khó khăn khi sử dụng công nghệ, thiết bị dạy học còn hạn chế cả về chất và lượng, việc quản lý học sinh chưa hiệu quả; việc học trực tuyến kéo dài còn gây nên những tác động tiêu cực tới sức khỏe của cả người dạy và người học…

Do vậy, các đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần tìm ra các giải pháp phù hợp hơn cho công tác giáo dục trong thời điểm hiện nay; sớm có hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao; cần có những biện pháp lấp lỗ hổng về kiến thức cho học sinh giữa các vùng học sinh học trực tiếp và trực tuyến, giảm tải một số chương trình không cần thiết; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa để nâng cao chất lượng bài giảng, phát huy khả năng tự học của học sinh và sinh viên…

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên thảo luận

Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất các giải pháp chống dịch hiệu quả như: cần nhanh chóng có đủ vắc xin bao phủ toàn dân để giúp cho người dân dù có nhiễm bệnh thì cũng ở thể nhẹ và không nguy hiểm đến tính mạng; đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19, sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu bào chế và sản xuất vắc xin trong nước để Việt Nam chủ động nguồn cung, tự chủ vắc xin; sớm phổ biến những thuốc đặc trị COVID-19 hiện được thử nghiệm và đánh giá rất tốt, nhằm giúp người bị nhiễm nhanh chóng khỏi bệnh trong vòng từ 5 – 7 ngày; cần có cơ chế để huy động y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19...

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Thời gian qua, khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đắk Lắk đang là “điểm nóng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trước tình hình đó, địa phương đã được Chính phủ, Bộ Y tế, Quân khu 5 và các tỉnh bạn kịp thời hỗ trợ, cung cấp vắc xin, các trang thiết bị y tế, nhân lực… Thời gian tới, địa phương mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ về vắc xin và các biện pháp phòng, chống dịch; cần có đánh giá một cách đầy đủ về ảnh hưởng, tác động của đại dịch trên các khía cạnh như thể chất, tâm lý, tinh thần, lao động việc làm, thu nhập, cơ hội tiếp cận với giáo dục đào tạo và các gói hỗ trợ; quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và có những biện pháp căn cơ hơn để giúp các địa phương phát triển, đủ sức chống chọi lâu dài với dịch bệnh.

Về các giải pháp phát triển KT-XH, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cũng đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung nguồn công suất điện gió, điện mặt trời của tỉnh vào Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030; bố trí nguồn vốn tiếp tục thực hiện dự án cấp điện nông thôn; sớm sửa đổi, ban hành các chính sách lâm nghiệp đặc thù cho vùng Tây Nguyên; sớm đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực biên giới; sớm đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, nhất là tuyến cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk nhằm tạo điều kiện cho tỉnh và khu vực Tây Nguyên không bị chậm lại phía sau…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên thảo luận

Thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH mà Chính phủ đề ra cho năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đề nghị trong kế hoạch cần đề cập rõ nhiệm vụ, giải pháp đối với hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp; cần có chính sách tăng mức hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng; cần có các giải pháp hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai, nhất là vấn đề về quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quản lý, sử dụng đất; đề nghị Chính phủ cần có sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ và quyết liệt hơn về bình đẳng giới, nhất là đối với phụ nữ trong các gói hỗ trợ dành cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới ở nước ta hiện nay…

Ngày mai (10/11), Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH về hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế và lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready