Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết đầu mùa mưa (03/06/2021, 10:53)

Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát, trong đó có bệnh sốt xuất huyết (SXH). Đây là bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp, càng không thể để “dịch chồng dịch” ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vì vậy, Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch ngay từ đầu năm nhằm hạn chế thấp nhất số người mắc bệnh SXH, không để dịch xảy ra trên địa bàn.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại thành phố Buôn Ma Thuột

Tính đến đầu tháng 3/2021, thành phố Buôn Ma Thuột có 27 trường hợp mắc bệnh SXH, giảm 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù số ca mắc SXH giảm mạnh, song qua công tác giám sát, điều tra véc tơ về chỉ số lăng quăng, chỉ số muỗi tại cộng đồng trên địa bàn thành phố vẫn khá cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ muỗi gây bệnh phát triển. Để chủ động phòng SXH khi mùa mưa sắp đến, Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, như: kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh; dự trù thuốc, hóa chất sẵn sàng chống dịch; bố trí và ổn định nhân lực tham gia hoạt động phòng chống dịch SXH tại cộng đồng; cung cấp thông tin, tập huấn kỹ năng giám sát, xử lý ổ dịch cho nhân viên y tế và các lực lượng khác tham gia công tác phòng chống dịch tại địa phương. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra chỉ số côn trùng tại các xã, phường trọng điểm để đưa ra nhận định tình hình, nếu những địa phương có chỉ số muỗi, lăng quăng cao sẽ được phun hóa chất chủ động phòng ngừa SXH; chỉ đạo 21 trạm y tế xã, phường đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh SXH; triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, khơi thông cống rãnh…

Phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh SXH tại phường Tân Lợi (Tp. Buôn Ma Thuột)

Tại xã Ea Tu (thành phố Buôn Ma Thuột), bên cạnh việc tích cực phòng chống dịch bệnh COVID-19, Trạm Y tế xã Ea Tu đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, cộng tác viên tích cực thực hiện các biện pháp thăm hộ gia đình, yêu cầu mỗi gia đình phải ký cam kết diệt lăng quăng, bọ gậy. Bác sĩ H’Thái Arul- Phó trưởng Trạm Y tế xã Ea Tu cho biết: “Từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn có xảy ra vài trường hợp đơn lẻ mắc bệnh SXH, không hình thành ổ dịch. Tuy nhiên, do lo ngại dịch SXH bùng phát mạnh vào mùa mưa nên trạm y tế xã đã thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh của xã về các dấu hiệu nhận biết bệnh SXH để người dân phòng bệnh. Đồng thời vận động người dân tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, ngăn chặn sự sinh sản, phát triển của muỗi”.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột: SXH là bệnh lưu hành quanh năm. Tuy nhiên, khi mưa xuống tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch, chúng không đẻ nơi ao tù, nước thải, cống như nhiều người vẫn nghĩ. Trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành lu, hũ và có thể tồn tại đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước thì trứng đó lập tức phát triển thành lăng quăng rồi thành muỗi. Chính vì tập tính đẻ trứng như vậy nên muỗi truyền bệnh SXH có khả năng sinh sản mạnh và phát triển vào mùa mưa. Hàng năm cứ mùa mưa đến thì bệnh SXH lại có chiều hướng gia tăng, bệnh thường phát triển mạnh từ khoảng tháng 5 đến tháng 10 và đỉnh dịch từ tháng 8 đến tháng 10.

Trong bối cảnh cả nước, nhất là ngành y tế đang căng mình chống dịch COVID-19, nếu lơ là phòng chống SXH, nguy cơ dịch lây lan và bùng phát rất nhanh, gây tình trạng “dịch chồng dịch”. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, mỗi người dân bên cạnh việc phòng chống dịch COVID-19 cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh SXH: ngủ màn kể cả ban ngày, diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thay bình hoa, bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật phế thải xung quanh nhà…

Đối với trường hợp khi đã mắc bệnh SXH, trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng. Cho nên người bệnh khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột 39 đến 40 độ C, kéo dài từ 2 ngày trở lên, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, có thể nổi mẩn, phát ban…cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mỹ Hạnh- Quang Nhật

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready