Giai đoạn 2021 – 2025 phấn đấu đào tạo nghề cho 20.000 lao động nông thôn (16/11/2020, 09:41)

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn 20.000 người, trong đó nghề nông nghiệp cho 12.000 người, phi nông nghiệp 8.000 người; Số nghề đào tạo là 110 nghề, trong đó nghề nông nghiệp 46 nghề, nghề phi nông nông nghiệp 64 nghề. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Ảnh minh họa

Giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng kinh phí cho các hoạt động của Đề án là: 123.000 triệu đồng, trong đó từ ngân sách trung ương là 87.000 triệu đồng, ngân sách địa phương là 36.000 triệu đồng. Tổ chức biên soạn, phê duyệt bổ sung trên 30 bộ chương trình, giáo trình đảm bảo theo quy trình, quy định. Tổ chức 06 lớp bồi dưỡng cho 1.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã.

Sở đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, thu hút học sinh học nghề.

 Tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề  cho lao động nông thôn đáp ứng sự tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của doanh nghiệp và nhu cầu học nghề của người dân lao động nông thôn. Đầu tư thiết bị đào tạo hiện đại, sát thực tiễn sản xuất, không đầu tư trùng lặp ngành nghề để phát huy hiệu quả.

Có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp chung tay xây dựng sự nghiệp đào tạo nghề như: ưu đãi doanh nghiệp nhận học sinh thực tập, nhận lao động sau đào tạo nghề.

Có hướng dẫn theo hướng mở đối với quy định chuẩn nhà giáo đào tạo nghề cho LĐNT

Đề nghị cấp Trung ương bố trí kinh phí đảm bảo triển khai đồng bộ các hoạt động của công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhằm đạt hiệu quả cao nhất theo tiêu chí nông thôn mới đề ra, cụ thể: bố trí kinh phí hàng năm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo; kinh phí khảo sát điều tra nhu cầu học nghề..

Đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thôn giao cho từng huyện, thị xã, thành phố.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền, cơ quan, đoàn thể các cấp cùng phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện Đề án theo quy định; hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề trong quá trình tuyển sinh, tư vấn tại địa phương; đưa nội dung về giáo dục nghề nghiệp tuyên truyền trong các cuộc họp tổ dân phố, đoàn thể...

Về việc vay vốn sau học nghề đã có chính sách quy định tại Đề án 1956/QĐ-TTg nhưng thực tế người dân sau khi học nghề chỉ có một số ít tiếp cận được nguồn vốn; để tạo điều kiện cho lao động sau khi học nghề được vay vốn tạo việc làm bằng nghề đã học, đề nghị UBND tỉnh có thêm cơ chế vay vốn bên cạnh cơ chế của Đề án, cụ thể những người đã học nghề xong có chứng chỉ nghề được vay vốn tạo việc làm. Đơn giản thủ tục, mở rộng cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ngoài nguồn vốn nhà nước.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready