Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trồng và phát triển rừng giai đoạn 2019-2022. (01/04/2023, 06:41)

Chiều 31/3, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Trần Phú Hùng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trồng rừng tập trung; phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019-2022.

Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích đất có rừng là 501.206 ha (rừng tự nhiên 426.046 ha, rừng trồng 75.160 ha), diện tích đất chưa có rừng là 232.423 ha. Độ che phủ rừng là 38,35 % (Quyết định số 642/QĐ-UBND ngày 16/3/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt số liệu rừng và đất lâm nghiệp năm 2021 trên địa bàn tỉnh).

Phân chia theo chức năng: Rừng đặc dụng: 227.906,3ha; trong đó, diện tích có rừng là 213.372,5ha; Rừng phòng hộ: 75.090,3ha; trong đó, diện tích có rừng là 63.306,8 ha; Rừng sản xuất: 430.632,8ha; trong đó, diện tích có rừng là 224.473,1 ha.

Diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hầu hết đã được giao cho các Vườn quốc gia; Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; các Công ty TNHH MTV, HTV lâm nghiệp; các Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; đơn vị Lực lượng vũ trang; hộ gia đình, cộng đồng và một số tổ chức sự nghiệp khác. Còn lại một số diện tích chưa có chủ, hiện do UBND cấp xã quản lý.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo với Đoàn giám sát

Trong những năm qua, công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, các cấp, ngành, các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ và tích cực triển khai nhằm thực hiện tốt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Trong giai đoạn 2019 - 2022, toàn tỉnh đã trồng được là 10.778,8 ha. Trong đó: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 153,2ha, trồng rừng sản xuất là 10.625,6ha (trồng mới là 1.950,1ha; trồng lại rừng sau khai thác là  8.675,3 ha).

Đại diện Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh báo cáo kết quả thực hiện chính sách về trồng và phát triển rừng giai đoạn 2019-2022.

Tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng để tổ chức trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022, Quỹ Phát triển rừng tỉnh đã tiếp nhận được số tiền 13.591.132.340 đồng của 06 dự án chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích khác; tham mưu giải ngân cho 04 đơn vị để thực hiện việc trồng 138,17 ha rừng thay thế (gồm: rừng đặc dụng: 88,87 ha; rừng phòng hộ: 49,30 ha); chất lượng rừng trồng thay thế giai đoạn 2019-2022, đều được triển khai thực hiện theo phương án được phê duyệt. Qua bước đầu kiểm tra về công tác trồng rừng và chăm sóc rừng trồng các loài cây trồng như: Gáo vàng, Cà te, Thông ba lá… đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiến nghị với Đoàn giám sát

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 64 dự án được thuê đất đầu tư phát triển nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp. Sau khi được phép thực hiện, các chủ dự án đã triển khai thực hiện trồng được gần 14.361 ha rừng, cây cao su, cây ăn quả và các loài cây trồng khác, đạt 60,2% so với quy hoạch. Tuy nhiên, một số dự án quản lý rừng kém hiệu quả, đất quy hoạch trồng rừng, trồng cao su bị xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp trái phép vẫn chưa thu hồi.

Trong 3 năm qua, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, tiếp nhận xử lý 5.142 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó, xử lý hành chính 5.058 vụ, xử lý hình sự 84 vụ. Cụ thể, phá rừng trái pháp luật 1.547 vụ; khai thác rừng trái pháp luật 445 vụ; săn bắt, vận chuyển, mua bán trái pháp luật động vật rừng 59 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 1.312 vụ; tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật 936 vụ; các hành vi vi phạm khác 843 vụ.

Công tác trồng rừng tập trung; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, lực lượng kiểm lâm còn mỏng; chưa huy động được nhiều nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác phát triển rừng; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn; nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, yếu kém như thiếu năng lực, chậm tiến độ, cây trồng bị chết, sinh trưởng kém…

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng lên 70 triệu/ha, trở lên và hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiệu quả từ 50 triệu đồng/ha, trở lên để thu hút các Doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng. Phân bổ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và hàng năm, bố trí ngay từ đầu năm để địa phương chủ động trong việc phân khai kinh phí cho các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện hiệu quả.

Đồng chí Trần Phú Hùng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Sớm tham mưu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp để bố trí sản xuất cho người dân, góp phần đảm bảo đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030.

Thành viên Đoàn giám sát tham gia ý kiến.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; giai đoạn 2019 – 2022, tình hình chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép giảm so với trước đó.

Thời gian tới UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp; rà soát các văn bản, nghị định của pháp luật còn bất cập, chồng chéo trong lĩnh vực này để kiến nghị Trung ương sửa đổi; thực hiện đồng bộ những giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển rừng, trong đó, bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện có và tăng diện tích rừng trồng; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để tạo cơ sở, hành lang cho công tác bảo vệ và phát triển; đồng thời, có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất rừng đang do UBND cấp xã quản lý.

Các cấp ủy đảng xác định rõ và nêu cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng, huy động sự tham gia cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc; giải quyết tính pháp lý cho dự án trồng rừng;  xử lý, ngăn chặn tình trạng xâm lấn diện tích rừng...

Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đề xuất giải pháp, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng nhằm phát huy lợi thế của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kim Bảo

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready