Hiện thực khát vọng “Thành phố cà phê của thế giới” (04/05/2024, 15:39)

UBND Thành phố Buôn Ma Thuột đang nỗ lực để triển khai Đề án xây dựng đô thị này trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” dựa trên khai thác các chuỗi giá trị văn hóa địa phương gắn với huy động nguồn lực từ trung ương, phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp.

Khơi dậy sức mạnh nội sinh từ cà phê

Ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, Kết luận số 67-KLTW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao UBND thành phố xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các chuỗi giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công ty Cà phê Trung Nguyên hưởng ứng chương trình cà phê miễn phí tại Quảng trường 10-3

Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, và đặc biệt thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà phê, tạo nên chất lượng cà phê thơm ngon đậm đà đặc trưng vùng đất đỏ bazan. Hạt cà phê Robusta vùng đất này thơm ngon, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê cả nước.

Ngoài sản phẩm cà phê Robusta đặc trưng, Buôn Ma Thuột ngày nay còn có các công trình văn hóa, công trình sản xuất mang đậm dấu ấn cây cà phê như Bảo tàng cà phê, đồn điền cà phê gắn với văn hóa thưởng thức,  chương trình lễ hội cà phê được tổ chức định kỳ 2 năm. 

Du khách thưởng thức cà phê miễn phí tại Thành phố Buôn Ma Thuột 

Với các yếu tố lịch sử, thổ nhưỡng, khí hậu và sự tích tụ văn hóa vùng miền, các tổ hợp không gian mang đậm dấu ấn cây cà phê, cộng hưởng với thành công qua các lần tổ chức Lễ hội cà phê đã đến thời điểm thích hợp để thành phố Buôn Ma Thuột hướng đến mục tiêu và tầm nhìn mới, để nâng cao giá trị thương hiệu của đô thị, hình thành “Thành phố cà phê của thế giới ”.

Là doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Đề án, ông Lê Văn Vương – Giám đốc Công ty TNHH cà phê Vương Thành Công cho biết, tháng 11/2023, doanh nghiệp được UBND thành phố phê duyệt tham gia Đề án cà phê hữu cơ gắn liền với du lịch sinh thái.

Du khách trải nghiệm du lịch cà phê tại vườn cà phê hữu cơ Vương Thành Công - Xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo đó, thành phố và doanh nghiệp kết hợp vận động bà con tham gia liên kết hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi sản xuất cà phê hữu cơ, bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá cao hơn thị trường 10-20k/1kg cà phê nhân. Đây là một trong những dự án giúp cho bà con yên tâm sản xuất, đảm bảo  an sinh xã hội tại địa bàn.

Hiện nay, Công ty đã thực hiện hỗ trợ 70% phân bón thuốc bảo vệ thực vật, bảo hộ lao động, chứng nhận hữu cơ 100%, dây chuyền máy cà phê  chế biến ướt 30% cho dự án. Hỗ trợ về mặt chính sách thu hút học sinh sinh viên, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tới tham quan và trải nghiệm.  Với sự  đồng hành hỗ trợ của chính quyền đã giúp doanh nghiệp cùng với người dân định hình sản phẩm du lịch cà phê chung sức phát triển kinh tế cà phê gắn với du lịch nông nghiệp bền vững.

Định hình vóc dáng thành phố cà phê

Theo Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng, hiện nay thành phố đang từng bước hình thành nên dáng dấp “Thành phố cà phê của thế giới” bằng việc triển khai xây dựng các điểm nhấn, các đặc trưng riêng mà khi du khách đến với TP. Buôn Ma Thuột sẽ nghĩ và nhớ đến.

Chẳng hạn như thành phố đang triển khai phố đi bộ ở đường Phan Đình Giót để mở ra một không gian thưởng thức cà phê. Hay như tổ chức chợ phiên nông sản cuối tuần tại trung tâm thành phố, trong đó sản phẩm chủ lực là cà phê. Thành phố cũng đang nỗ lực trong thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phối hợp với các doanh nghiệp trong việc triển khai những ý tưởng xây dựng Buôn Ma Thuột thành “Thành phố cà phê của thế giới”...

Bảo tàng Thế giới cà phê tái hiện nghi thức truyền thống giới thiệu đến du khách

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, đây là đề án chưa từng có tiền lệ nên khi triển khai xây dựng chính sách quy hoạch phát triển thành “Thành phố cà phê của Thế giới” cũng còn nhiều thách thức.

Thứ nhất, Đắk Lắk là địa phương đầu tiên trình Trung ương xem xét, phê duyệt ý tưởng “Thành phố cà phê của thế giới”. Dù là thủ phủ cà phê của cả nước, nhưng số lượng doanh nghiệp của Buôn Ma Thuột có quy mô lớn còn ít, mang tính cục bộ; chưa thể đi vào chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có điểm nhấn riêng biệt.

Thứ hai, chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, kiểm soát chất lượng đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại chưa gắn kết chặt chẽ. Các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Việc sơ chế, chế biến cà phê quy mô nông hộ và các cơ sở sản xuất khác còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Về nguồn lực, chính quyền cần sự hỗ trợ từ Trung ương, doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa tính khả thi của đề án lớn này. Cụ thể, UBND TP Buôn Ma Thuột sẽ đề xuất Trung ương phương án cải tạo chỉnh trang, thiết kế đô thị cho một số khu vực nội thị theo định hướng tạo bản sắc riêng cho thành phố cà phê, trong đó, bao gồm các không gian công cộng gắn với thương hiệu cà phê như quảng trường, tuyến phố, công viên, công trình kiến trúc, khu vực cửa ngõ đô thị, khu vực điểm nhấn cảnh quan, công trình nghệ thuật, trung tâm biểu diễn nghệ thuật....

Thành phố còn nghiên cứu đề xuất xây dựng các khu chức năng mới thuộc lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê. Ví như, vị trí xây dựng các công trình sàn giao dịch cà phê, trung tâm tài chính, dịch vụ logistic về cà phê, trung tâm thương mại, Trung tâm sản xuất chế biến cà phê chất lượng cao đẳng cấp quốc tế...

Trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đã được quy hoạch chung, thành phố xác định đề xuất hạng mục nâng cấp, bổ sung, hoàn chỉnh để đáp ứng vai trò là đầu mối hệ thống hạ tầng vùng, quốc gia hướng tới đủ tiêu chuẩn, năng lực cấp quốc tế; bảo tồn, trùng tu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trực tiếp và gián tiếp phục vụ du lịch, lễ hội cà phê...

Bên cạnh đó, Trung ương cần cho địa phương cơ chế, chính sách khuyến khích người dân tham gia xây dựng làm đẹp, xanh, sạch thành phố đáp ứng tiêu chí thành phố cà phê thế giới; ưu tiên cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và kinh doanh cà phê trên địa bàn; chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt là các chương trình khuyến khích, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê theo chuỗi giá trị bền vững, có định hướng thị trường và mang thương hiệu thành phố cà phê của thế giới.

Về lâu dài, ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới” thì còn nhiều việc phải làm từ cải tạo chỉnh trang đến xây dựng mới những công trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê, du lịch, sự hấp dẫn về kiến trúc, nghệ thuật, bản sắc và môi trường cảnh quan đô thị ...

Cụ thể, thành phố tiếp tục triển khai quy hoach chi tiết, đưa ý tưởng định hình chính sách để kêu gọi thu hút đầu tư thành phố cà phê là  phát huy lợi thế “Đô thị nông sản”; Hướng tới không phải đầu tư nguồn lực mà xây dựng cơ chế để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia tạo ra chuỗi giá trị từ cà phê liên kết phát triển sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm cà phê. Người nông dân thu nhập tăng cao từ việc phát huy lợi thế sản phẩm gắn liền với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Tại hội nghị công bố Quy hoach tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng: định hướng mở rộng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới” gắn với bảo tồn những giá trị thiên nhiên, bản sắc văn hoá riêng có, đây sẽ là hình mẫu xây dựng những đô thị mới trong rừng và có rừng trong đô thị. Tỉnh Đắk Lắk cần phát huy ưu thế cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hoá đa dạng, ẩm thực phong phú…, hình thành những sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá khác biệt, độc đáo. “Lễ hội cà phê gắn với những cánh rừng, lễ hội của đồng bào dân tộc là minh chứng rõ ràng cho thế mạnh về du lịch nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu của Đắk Lắk”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready