Hiệu quả ban đầu từ mô hình đội chuyển tuyến dựa vào cộng đồng (28/07/2020, 15:30)

Tại những nơi cách xa cơ sở y tế, bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh là hai đối tượng dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhận thấy nguy cơ này, Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tỉnh Đắk Lắk đã thành lập các đội chuyển tuyến tại một số thôn, buôn vùng sâu, vùng xa của hai huyện Lắk và Krông Bông, kịp thời hỗ trợ y tế, sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến an toàn cho những trường hợp cần cấp cứu. Sau gần 9 tháng triển khai, mô hình này đã thể hiện được tính ưu việt, ý nghĩa nhân văn và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Hình ảnh diễn tập ở buôn Plao Siêng (xã Ea Rbin) chuyển tuyến trẻ sơ sinh bị sặc sữa đến trạm y tế

Thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cách Trạm Y tế xã Cư Pui khoảng 10 km, người dân hầu hết là dân tộc Mông di cư từ vùng núi phía Bắc vào, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Tại đây, người dân vẫn duy trì thói quen sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế. Điều này xuất phát từ phong tục tập quán của người Mông và cũng vì không có tiền, phương tiện để đến cơ sở y tế. Đây cũng chính là lý do khiến tỉ lệ trẻ tử vong do uốn ván sơ sinh tại đây cao, ngoài ra, người mẹ còn phải đối mặt với nhiều tai biến sản khoa, phổ biến nhất là băng huyết, nhiễm trùng sau sinh.

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và ngành y tế huyện Krông Bông đã tăng cường công tác truyền thông, vận động phụ nữ sinh con tại trạm y tế. Đồng thời, tháng 10/2019, Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ kinh phí thành lập đội chuyển tuyến dựa vào cộng đồng với mục đích kịp thời hỗ trợ y tế cho những trường hợp bà mẹ, trẻ sơ sinh cần cấp cứu tại thôn, chuyển bệnh nhân đến trạm y tế hoặc các cơ sở y tế khác an toàn.

Đội chuyển tuyến có 8 thành viên là những người có uy tín, trách nhiệm trong thôn như trưởng thôn, phó thôn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên…, tham gia trên tinh thần tự nguyện, không có bất kì khoản thù lao hay kinh phí hỗ trợ nào. Sau khi thành lập, đội chuyển tuyến đã được tham gia tập huấn về kĩ năng và năng lực sơ cứu, cấp cứu, chuyển tuyến an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Các thành viên của đội luôn trong tư thế sẵn sàng 24/24 giờ hỗ trợ y tế cho bà con trong thôn bất kể khi nào họ cần.

Ngoài nhiệm vụ chuyển tuyến, họ còn đảm nhiệm vai trò là các truyền thông viên, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, tư vấn các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Từ khi thành lập đến nay, đội chuyển tuyến thôn Ea Uôl đã chuyển tuyến an toàn cho 8 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Nhờ đó, bà con rất tin tưởng và ủng hộ, đồng hành cùng hoạt động này.

Nói về hình thức hoạt động của đội chuyển tuyến, bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Krông Bông cho biết: “Ngoài hỗ trợ chuyên môn, Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sinh tỉnh còn hỗ trợ nguồn quỹ 5 triệu đồng cho đội chuyển tuyến. Trong trường hợp gia đình bệnh nhân khó khăn, khoản quỹ này sẽ được trích ra cho bệnh nhân vay để chi trả viện phí. Bên cạnh đó, đội chuyển tuyến cũng đã vận động mỗi hộ dân đóng góp 10.000 đồng/năm để tăng thêm nguồn quỹ thực hiện hoạt động”.

Tương tự tại huyện Lắk, 2 đội chuyển tuyến, mỗi đội có 6 thành viên đã được thành lập tại hai buôn là Plao Siêng (xã Ea Rbin) và buôn Lách Ló (xã Nam Ka). Hai buôn này đường sá đi lại rất khó khăn, xa cơ sở y tế, đời sống người dân còn nghèo nàn, tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Cũng như đội chuyển tuyến tại Krông Bông, sau khi thành lập, ngoài việc được tập huấn, trang bị kĩ năng về sơ cứu, cấp cứu, hai đội chuyển tuyến của huyện Lắk còn được trang bị những dụng cụ cần thiết để vận chuyển bệnh nhân, như: võng lưới, cáng cứu thương, tấm nilon che mưa, đèn pin, nhiệt kế, quần áo siêu bền, ủng. Mỗi đội chuyển tuyến còn được Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sinh tỉnh hỗ trợ ban đầu 5 triệu đồng, mỗi hộ dân của hai buôn tình nguyện đóng 80.000 đồng/ một năm để làm quỹ hoạt động. Số tiền này chủ yếu dành cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vay để thanh toán viện phí.

Từ tháng 10/2019 đến nay, hai đội chuyển tuyến đã chuyển tuyến an toàn đến trạm y tế 11 trường hợp là bà mẹ đang mang thai bị đau bụng, ra máu âm đạo; bà mẹ có dấu hiệu chuyển dạ; người bị viêm phổi, đau bụng, bị thương, viêm ruột thừa cấp. Chị Làu Thị Pà (ở buôn Plao Siêng, xã Ea Rbin) người từng được đội chuyển tuyến hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế xã Ea Rbin sinh con an toàn, chia sẻ: “Tôi sinh con đã được 8 tháng rồi và con tôi giờ rất khỏe mạnh. Tôi biết ơn đội chuyển tuyến nhiều lắm vì nhờ có họ tôi mới đến được trạm y tế kịp thời để sinh con, nếu không tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vì lúc đó sắp sinh mà chỉ có mình tôi ở nhà, nhà lại không có xe, chồng thì đi làm ăn xa”. 

Hiện Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tỉnh đã hỗ trợ thành lập 4 đội chuyển tuyến tại 4 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Bông và Lắk. Trong thời gian tới, những địa phương này sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đội chuyển tuyến đến nhiều thôn, buôn khác để góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung, bà mẹ và trẻ sơ sinh nói riêng, hạn chế tỉ lệ tai biến, tử vong ở bà mẹ trẻ sơ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài: Thu Huế- Mỹ Hạnh

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready