Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP). (18/12/2020, 16:22)

Sáng 18/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương

Ngày 20-6-2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2013. Qua hơn 7 năm thi hành luật, thể chế về GĐTP ngày càng được hoàn thiện; hệ thống tổ chức GĐTP, đội ngũ người làm GĐTP tiếp tục được cũng cố và phát triển; hoạt động và quản lý nhà nước về GĐTP từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả…

Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động GĐTP, đặc biệt là phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới nên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10-6-2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật GĐTP năm 2012 về phạm vi GĐTP; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của người trung cầu giám định; điều kiện thàng lập văn phòng GĐTP; thời hạn giám định; kết luận giám định… Cụ thể, Luật này bổ sung 1 điều mới; sửa đổi, bổ sung 8 điều; bổ sung 4 khoản; sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 4 điểm và sửa đổi, bổ sung 9 điểm so với Luật năm 2012.  

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu lưu ý: Để triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật GĐTP, ngày 24-9-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ - TTg về kế hoạch triển khai thi hành Luật GĐTP năm 2020 với 9 nhóm nhiệm vụ.

Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, kết quả đầu ra và trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (Luật) kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước. Theo đó: Nội dung Kế hoạch thực hiện gồm: Tổ chức quán triệt việc thi hành và phổ biến nội dung của Luật; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến giám định tư pháp; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật; thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; củng cố, phát triển đội ngũ cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo hướng gắn với nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng ( rà soát, đổi mới quy trình bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp và công nhận, đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; rà soát, cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp).

Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp và kiến thức pháp lý cho người làm giám định tư pháp; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về giám định tư pháp cho người tiến hành tố tụng; kiểm tra, thanh tra tình hình tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp và thực hiện trách nhiệm về giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng; đánh giá công tác giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý, tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động giám định tư pháp…

Căn cứ nội dung Kế hoạch trên và tình hình thực tiễn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành Luật tại bộ, ngành, địa phương mình. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn giải quyết và gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Hồng Mong

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready