Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam tại 5 tỉnh Tây Nguyên (11/12/2020, 09:15)

Ngày 09/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Ban Quản lý dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam tại 05 tỉnh Tây Nguyên.

Toàn cảnh Hội thảo.

Đề án “Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam” được thực hiện tại 08 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Trong đó tập trung vào cà phê chè và cà phê vối với quan điểm không mở rộng diện tích trồng mới, chỉ phát triển trên các vùng có điều kiện phù hợp. Trên cơ sở cải tạo các vườn cà phê hiện có và trồng tái canh đối với diện tích già cỗi, kém hiệu quả, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong quá trình trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản, chế biến cà phê. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, cà phê đặc sản đạt khoảng 5% tổng diện tích trồng cà phê và tăng lên 7% diện tích vào năm 2030.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết: Việt Nam hiện có trên 664.000 ha cà phê với sản lượng trên 1,5 triệu tấn/năm. Trong đó cà phê Robusta chiếm diện tích lớn (93%), còn lại là cà phê Arabica. Cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil. Tuy nhiên, trên thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam chỉ có tiếng về sản lượng, về chất lượng chưa được thừa nhận, giá trị hạt cà phê Việt chưa được đánh giá cao. Nguyên nhân do cà phê Việt Nam chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới; cơ cấu sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao vẫn còn thấp; xuất khẩu cà phê nhân chiếm 93%, còn lại 7% là chế biến sâu.

Tại Việt Nam, sự phát triển cà phê đặc sản ở cấp địa phương đã bắt đầu từ năm nay, có giá bán khá cao trên thị trường nhưng khối lượng cà phê đặc sản ở Việt Nam sản xuất năm 2019 chỉ đạt khoảng 200 tấn. Việc phát triển cà phê đặc sản là nhu cầu cấp bách, là hướng đi phù hợp. Đề án “Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam” nhằm cụ thể hóa phương hướng phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu khẳng định chất lượng thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung và tăng thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cà phê nói riêng. Đề án xây dựng các phương án và định hướng phát triển cà phê đặc sản Việt Nam đến năm 2030, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng được nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa, đồng thời góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, đại biểu đã trao đổi, đánh giá về hiện trạng phát triển cà phê đặc sản trên thế giới và Việt Nam, đánh giá chất lượng đất và cà phê vùng khảo sát, các yếu tố tác động đến phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, vị trí quy mô các vùng sản xuất cà phê đặc sản ở Việt Nam, các phương án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam. Đại biểu cũng góp ý một số ý kiến tâm huyết để xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Tuấn Hải

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready