Huyện Cư M’gar tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát (28/08/2021, 08:49)

Sau một thời gian được khống chế, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại ở huyện Cư M’gar khiến người chăn nuôi lo lắng. Để khống chế dịch bệnh, địa phương hiện đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giúp người dân sớm khắc phục khó khăn.

Mới đây, đàn lợn 16 con với tổng trọng lượng 1.474 kg của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đương ở thôn Hiệp Hòa, (xã Quảng Hiệp) đã buộc phải tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi. Lực lượng chức năng đã tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng và tiến hành rắc vôi bột khu vực chăn nuôi theo quy định của các cơ quan chuyên môn. Đây cũng là hộ chăn nuôi đầu tiên trên địa bàn xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Ngọc Đương tại hố xử lý đàn lợn chết do mắc dịch tả châu Phi

Theo thông tin từ Trạm Thú y và Chăn nuôi huyện Cư M’gar, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện trên địa bàn huyện vào ngày 27/01/2021, tính đến nay đã có 5 hộ chăn nuôi ở 5 thôn của 4 xã Ea Kpam, Cư Suê, Ea Kiết và Quảng Hiệp mắc và buộc phải tiêu hủy 175 con lợn, với tổng trọng lượng 7.167 kg. Trong đó, xã Ea Kpam có số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy nhiều nhất, với 133 con, xã Cư Suê, Quảng Hiệp (16 con), và Ea Kiết (10 con). Dịch chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với quy mô và số lượng lợn nuôi không lớn. Nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi tái phát là do một số hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn, lợn được mua không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; một số hộ còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch…

Ông Nguyễn Quang Đức – Trưởng trạm Thú y và Chăn nuôi huyện Cư M’gar cho biết: “Hiện, giá thịt lợn xuống thấp, người dân ở một số nơi cũng đang có hiện tượng lơ là trong công tác nuôi dưỡng và cách ly, chính vì vậy khi lợn mắc bệnh không được chú tâm. Đặc biệt, sau khi có lợn bị mắc bệnh, có hộ đã gắng gượng chữa trị, chỉ đến khi lợn chết mới khai báo, điều này vô hình trung giúp mầm bệnh phát tán rộng rãi. Bên cạnh đó, việc vận chuyển lợn từ địa bàn huyện này sang địa bàn khác chưa được siết chặt, việc rơi vãi chất thái có chứa mầm bệnh trên đường, nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan là rất cao…”.

Trước tình hình trên, ngành Thú y huyện đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo khống chế dịch nhanh và xử lý dứt điểm, không để dịch lây lan kéo dài; tăng cường công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh đối với đàn lợn, nguy cơ dịch bệnh tái phát lây lan trong diện rộng; tổ chức khoanh vùng ổ dịch, huy động lực lượng, phương tiện tiêu hủy toàn bộ số lợn chết; hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi… Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; vận động người dân thận trọng khi tái đàn, nhất là lựa chọn con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhằm đảm bảo tái đàn an toàn...

Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu bệnh đối với dịch tả lợn châu Phi. Để phòng chống dịch hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực, vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương thì các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, vệ sinh chuồng trại đúng quy trình. Cùng với đó, khi thực hiện tái đàn, người chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh và khai báo số lượng vật nuôi với chính quyền địa phương để thuận tiện cho việc kiểm soát dịch bệnh.

Trung Dũng

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready