Kết quả triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (17/11/2020, 10:18)

Theo đánh giá của BCĐ “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có việc làm hoặc nâng cao hiệu quả làm việc đạt trên 80% và 70% số người có việc làm phù hợp với nghề đào tạo. Chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Học viên lớp trồng trọt ở huyện Krông Bông thực hành ghép chồi cây cà phê. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Đề án đã phát triển mạng lưới dạy nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý; Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề; xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã ; Giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đề án;  Thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn; Tăng cường quản lý nhà nước ở các cấp về dạy nghề cho lao động nông thôn.

Giai đoạn 2010 - 2015: Bình quân hàng năm hỗ trợ đào tạo 9.000 lao động nông thôn (tổng giai đoạn là 45.000 người); đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã bình quân 2.200 người/ năm. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%.

Giai đoạn 2016 – 2020 đào tạo khoảng 41.200 người. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Công tác đào tạo nghề được triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo tinh thần của Đề án 1956 và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra quá trình triển khai thực hiện đã có sự lồng ghép tốt với các chương trình khác, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông.

Huy động được các cơ sở GDNN, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT, tỉnh đã triển khai điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn toàn tỉnh với 254.274 hộ, 1.114.991 nhân khẩu. Qua điều tra khảo sát có 17,93% số người trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề; phân bổ theo các nhóm (Nông, lâm nghiệp: chiếm 50,2%; Công nghiệp, Xây dựng: chiếm 36,1%; Thương mại, dịch vụ: chiếm 13,7%.); điều tra điểm 821 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp trong 03 năm (2010 – 2012) là 29.400 lao động.

Hoạt động thí điểm nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho LĐNT, giai đoạn 2010 - 2020 Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã tham mưu triển khai thí điểm một số mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn như nghề: Trồng và khai thác nấm và trồng nấm dược liệu, mô hình đào tạo nghề chăm sóc da, làm đẹp, mô hình May công nghiệp, mô hình trồng và chăm sóc cây tiêu, trồng và chăm sóc cây cao su …

Trong đó, mô hình trồng và khai thác nấm số lượng người được học 200 người tỷ lệ có việc làm trên 95%, mô hình này ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia, hiện nay số lượng và chất lượng mô hình ngày càng tăng lên, mức thu nhập bình quân của người nông dân trồng nấm bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Mô hình trồng và chăm sóc cây tiêu số lượng người được học 95 người, tỷ lệ có việc làm trên 90%. Mức thu nhập bình quân của người nông dân trồng tiêu bình quân 9-10 triệu đồng/tháng, mô hình đào tạo nghề May công nghiệp của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Krông năng, Krông Ana (các học viên sau khi được đào tạo, được Trung tâm giới thiệu việc làm tại gia đình thông qua mô hình gia công các bộ phận, các chi tiết của ngành may mặc theo từng công đoạn sau đó gửi xuống công ty tại tp Hồ Chí Minh), hầu hết những mô hình triển khai đơn giản dễ áp dụng cho các đối tượng tham gia học nghề, đặc biệt là lao động nữ, kinh phí đầu tư không lớn, dễ chăm sóc, quản lý tại hộ gia đình, những mô hình này đã và đang phát huy được hiệu quả, người lao động học xong có việc làm thu nhập bình quân từ 4-6 triệu/tháng. Các mô hình trên đã góp phần cho lao động nông thôn định hướng được nghề nghiệp của họ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn và được nhân rộng áp dụng rộng rãi cho các huyện trên địa bàn tỉnh, cũng như các tỉnh bạn đến học hỏi kinh nghiệm để triển khai như tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Vĩnh Long.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready