Khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác thải lây nhiễm từ F0 điều trị tại nhà (01/04/2022, 07:05)

Rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình có người mắc COVID-19 (F0) đang cách ly và điều trị tại nhà được xem là chất thải nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó nếu không được quản lý, xử lý đúng quy định sẽ là nguồn nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng rất cao.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 điều trị tại nhà cần phân loại rác thải y tế, xử lý đồ dùng với những quy định nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm. Rác thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Rác thải của người cách ly tại nhà phải phân loại với rác thải thông thường, đựng trong thùng rác chuyên dụng có nắp đậy, dán nhãn, phun khử khuẩn và phải được ưu tiên thu gom, vận chuyển, xử lý ngay trong ngày. Nhân viên vệ sinh môi trường có đồ bảo hộ, sử dụng phương tiện chuyên dụng khi thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.

Rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình có F0 vẫn được thu gom, xử lý như rác thải sinh hoạt thông thường

Tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua, việc triển khai thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà còn gặp rất nhiều bất cập, thậm chí bất khả thi. Bởi với số lượng F0 điều trị tại nhà lớn, lại phân bổ rải rác ở tất cả các khu vực dân cư, trong khi lực lượng y tế lẫn lực lượng thu gom rác thải lại mỏng thì việc giám sát, xử lý rác thải phát sinh từ các F0 điều trị tại nhà khó có thể thực hiện theo đúng quy định.

Tại TP. Buôn Ma Thuột – địa phương đang có số lượng lớn F0 điều trị tại nhà, hàng ngày, một lượng lớn rác thải sinh hoạt của F0 thải ra môi trường nhưng chưa có giải pháp phòng, chống lây nhiễm nào được triển khai hiệu quả. Bác sĩ Võ Minh Hùng -Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, vấn đề xử lý đúng quy định rác thải của F0 điều trị tại nhà trên địa bàn thành phố hiện rất khó khăn do đơn vị thiếu phương tiện, nhân lực. Trước mắt, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo các hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà cần phân loại, đóng gói gọn gàng và chủ động phun khử khuẩn trước khi đơn vị vận chuyển rác đến thu gom để hạn chế nguy cơ lây mắc COVID-19. Còn về lâu dài, Trung tâm y tế đã kiến nghị các cấp chính quyền và các ban, ngành có sự hỗ trợ lực lượng y tế trong việc xử lý chất thải lây nhiễm nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Thùng đựng chất thải y tế tại gia đình có F0 phải có nắp đậy, dán nhãn, phun khử khuẩn và phải được ưu tiên thu gom, vận chuyển, xử lý ngay trong ngày (Ảnh minh họa)

Theo ông Bùi Văn Quý - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, Công ty chỉ có chức năng thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt, còn rác thải y tế thì thuộc về trách nhiệm của các đơn vị khác. Giai đoạn trước đây, số lượng F0 điều trị tại nhà rất ít nên lực lượng y tế khử khuẩn rác thải từ bệnh nhân trước khi mang đi xử lý. Tuy nhiên, hiện nay số lượng F0 điều trị tại nhà nhiều, lực lượng y tế lại quá tải nên việc khử khuẩn rác thải do F0 thải ra không được phân loại, khử khuẩn. Hơn nữa, hiện với số lượng F0 quá đông, người thu gom rác không thể phân biệt được gia đình nào có rác thải từ F0; điều này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người lao động làm nhiệm vụ trực tiếp thu gom rác của công ty. Để hạn chế lây nhiễm cho người lao động, công ty đã quán triệt đầy đủ các biện pháp phòng, chống lây mắc COVID-19 trong quá trình làm việc và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người thu gom rác thải.

Nhiều người dân tìm phế liệu tại bãi rác thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó có cả những rác thải sinh hoạt của F0 điều trị tại nhà, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao

Sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế đã giao các đơn vị chuyên môn xây dựng phương án để xử lý rác thải của F0 đang điều trị tại nhà đảm bảo đúng quy định về xử lý rác thải lây nhiễm nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ rác thải sinh hoạt. Trước tình hình lượng F0 điều trị tại nhà trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cao, thời gian qua, ngành Y tế đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý rác thải sinh hoạt của F0 bằng cách tách riêng rác thải của F0 bỏ vào một túi riêng, buộc chặt rồi xịt khử khuẩn bằng cồn 70 độ, sau đó tiếp tục bỏ vào một lớp túi ni lông nữa buộc chặt rồi mới bỏ ra ngoài để đơn vị thu gom rác thải xử lý.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng chí H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế tại địa phương chủ động có phương án thu gom, xử lý rác thải phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là đối với F0 điều trị tại nhà trên địa bàn đảm bảo quy trình quy định, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong thời gian chờ Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Phương án xử lý chung để thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh.

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready