Lộ trình thích ứng trong quản lý hạn hán và nước ở Tây Nguyên (18/07/2024, 16:23)

Ban quản lý Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên đã tổ chức Hội thảo về “Lộ trình thích ứng trong quản lý hạn hán và nước ở Tây Nguyên”.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường của 5 tỉnh Tây Nguyên; Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các hợp tác xã, nhà nông đến từ các tỉnh Tây Nguyên.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Theo số liệu công bố, Tây Nguyên đang phải đối mặt với các vấn đề về thực trạng diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái nguồn nước mặt, suy giảm nguồn nước ngầm và khả năng lọc nước tự nhiên, xói mòn. Sự phát triển diện tích cây công nghiệp và cây ăn trái có nhu cầu tưới tiêu lớn ở Tây Nguyên (cà phê, hồ tiêu, cây điều, sầu riêng, bơ…) trong 30 năm qua bị ảnh hưởng bởi vấn đề biến đổi khí hậu và nguy cơ hạn hán. Việc phát triển hạ tầng, đô thị hóa, việc tăng diện tích nhà kính trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng ảnh hưởng nguồn nước, tăng nước chảy tràn, suy giảm lượng nước mưa ngấm trực tiếp vào đất, giảm nguồn nước bổ sung cho mạch nước ngầm.

Đối với Tây Nguyên, nguồn nước mặt có tiềm năng lớn, tốt nhưng đang thay đổi theo thời gian, thiếu kế hoạch sử dụng và lưu trữ, khai thác quá mức, diện tích rừng thu hẹp dẫn đến hạ thấp mực nước ngầm nhiều nơi…Kết quả cân bằng nước có tính đến biến đổi khí hậu là thiếu nước: năm 2020 (4.8-5.3 tỷ m3); năm 2030 (5.3-6.0m3); năm 2050 (5.5-6.3m3).

PGS. TS Lê Đức Niêm – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: “Là một trường đại học đa ngành đóng trên địa bàn Tây Nguyên với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Tây Nguyên cam kết có trách nhiệm trong việc kết nối các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người nông dân từng bước giải quyết vấn đề quản lý nước, khắc phục hạn hán theo lộ trình thích ứng phù hợp”.

Tại diễn đàn Hội thảo, quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam Daniel Ross phát biểu: “Thông qua đổi mới sáng tạo chúng tôi đang hỗ trợ nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững. Từ năm 2014 Trung tâm nông nghiệp Úc hỗ trợ phát triển nông nghiệp Tây Nguyên. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò lấy thịt, khoai mì, hồ tiêu, cà phê. Trung tâm cũng là nơi để nông dân và các nhà tài trợ gặp gỡ để cùng xác định và giải quyết một số vấn đề lớn của ngành cà phê và trái cây. Một số thách thức có thể kể là: biến đổi khí hậu; các tiêu chuẩn và hoạt động cấp chứng nhận; mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó biến đổi khí hậu là ưu tiên quan trọng của cả Chính phủ Việt Nam và Úc trong bối cảnh các sự kiện khí hậu đang ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Trong đó, Tây Nguyên – Lâm Đồng đã phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng thứ 3 trong vòng 10 năm trở lại đây, và nước Úc của chúng tôi cũng thường xuyên đối mặt với hạn hán”.

Để hướng về một Tây Nguyên xanh bền vững, các giải pháp được coi trọng nhất bao gồm: Đa dạng các loại cây trồng, nhiều lớp, nhiều tầng, nhiều tán. Phục hồi rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng, quy hoạch rừng, nâng cao độ che phủ, phát triển kinh tế rừng, nông - lâm kết hợp để giữ nguồn nước; Phát triển nông nghiệp tuần hoàn; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; Sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm; Đánh giá thích nghi phát triển nông nghiệp, lựa chọn cây trồng phù hợp, thực hiện xen canh, đa canh, phát triển nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp du lịch xanh; Nghiên cứu giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; Áp dụng công nghệ tiên tiến tưới nước tiết kiệm.

Tại hội thảo, các nhóm thảo luận đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về thách thức sử dụng nguồn nước, ở ngành sản xuất nào, khâu nào trong chuỗi giá trị, nguyên nhân; vẽ ra kịch bản, viễn cảnh mong muốn cho ngành sản xuất cà phê, trái cây, sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên trong tương lai vào năm 2050; những hành động đã và đang làm để đạt được viễn cảnh đó, biến giấc mơ thành hiện thực.

Các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm quản lý hạn hán và nước ở Tây Nguyên

Các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm nguồn nước. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp như: Đa dạng các loại cây trồng, nhiều lớp, nhiều tầng, nhiều tán. Phục hồi rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng, quy hoạch rừng, nâng cao độ che phủ, phát triển kinh tế rừng, nông - lâm kết hợp để giữ nguồn nước; Phát triển nông nghiệp tuần hoàn; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; Sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm; Đánh giá thích nghi phát triển nông nghiệp, lựa chọn cây trồng phù hợp, thực hiện xen canh, đa canh, phát triển nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp du lịch xanh; Nghiên cứu giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; Áp dụng công nghệ tiên tiến tưới nước tiết kiệm.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready