Mở rộng phạm vi bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột (10/08/2021, 14:39)

Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, Cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ đưa vào danh mục xin bảo hộ dưới hình thức CDĐL tại Nhật Bản theo chương trình hợp tác Sở hữu trí tuệ song phương. Hiện Hiệp hội đang hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của phía Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) để gia tăng tăng cơ hội mở rộng thị trường cho mặt hàng cà phê tại Nhật Bản.

Công ty Simexco Đắk Lắk tập huấn thử nếm cà phê cho các thành viên của HTX Ea Tân.- Ảnh minh họa

Để thực hiện yêu cầu của MAFF Nhật Bản, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội đã có buổi làm việc cùng với Cục Sở hữu trí tuệ để tìm ra giải pháp bổ sung hồ sơ. Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ đang bổ sung các tài liệu như: Cung cấp tài liệu chứng minh sản phẩm cà phê nhân Buôn Ma Thuột có danh tiếng thông qua đánh giá xã hội như người tiêu dùng, nhà nhập khẩu, người kinh doanh, chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ...có đánh giá, nhận xét về cà phê nhân Buôn Ma Thuột;  Cung cấp tài liệu chứng minh các yếu tố tự nhiên (đất đỏ bazan, độ cao, biên độ dao động nhiệt ....) tạo ra các đặc tính nêu trên của sản phẩm cà phê nhân Buôn Ma Thuột; Cung cấp tài liệu chỉ rõ và chứng minh yếu tố kĩ thuật tạo ra hoặc duy trì đặc tính khác biệt nêu trên của sản phẩm cà phê nhân Buôn Ma Thuột và yếu tố kĩ thuật đó được áp dụng ít nhất 25 năm.

Về mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL cho cà phê rang xay và cà phê hòa tan nguyên chất, theo Hiệp Hội chia sẻ, CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ vào năm 2005 cho sản phẩm cà phê nhân nên CDĐL ít có giá trị thương mại. Do đó Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Khoa học công nghệ hỗ trợ dự án “Sửa đổi, mở rộng phạm vi bảo hộ và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống quản lý CDĐL cho sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột”. Sau khi được phê duyệt, Dự án này được Trung tâm phát triển nông thôn (Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn) đang chủ trì thực hiện. – Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho hay.

Cũng theo ông Trịnh Đức Minh, để tăng khả năng thương mại nội địa cà phê nhân CDĐL, quảng bá rộng rãi danh tiếng, khả năng tiếp cận người tiêu dùng đầu cuối tại các thị trường tiêu dùng chính trong nước. Hiệp hội đã có văn bản đề xuất xem xét chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung liên quan quy trình sản xuất, đặc biệt đã đề xuất không quy định “Sản phẩm cà phê phải được sơ chế, chế biến, đóng gói tại các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” đưa vào “Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê” sắp ban hành tới đây.

Theo kết quả kiểm tra nội bộ năm 2020, Cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột có tổng diện tích đăng ký: 14.231 ha (tăng 636,8ha); tổng số nông hộ: 9.374 nông hộ (tăng 395 nông hộ) với tổng sản lượng đăng ký: 46.652,22 tấn (tăng 2.046 tấn).

 Sự gia tăng đến từ Công ty TNHH TM Phúc Minh mở rộng vùng nguyên liệu liên kết với nông hộ sản xuất cà phê có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Trong 12 đơn vị được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân, trong năm 2020 công ty TNHH MTV XNK 2/9 xuất khẩu được 2.000 tấn sang các thị trường Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ.  

Hiện nay, Hiệp hội tiếp tục tiếp cận và vận động hội viên có vùng sản xuất cà phê trong vùng địa danh, đáp ứng đủ điều kiện sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hồ sơ xin cấp quyền sử dụng theo quy định. Đến nay, Hiệp hội đã hỗ trợ 8 đơn vị gia hạn thành công Quyền sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready