Nông dân huyện M’Drắk được mùa vải (11/06/2021, 10:24)

Những ngày này, về với các xã Cư Prao, Ea Pil, Cư Króa (huyện M’Drắk), những vườn vải U Hồng chín đỏ, sai trĩu quả, trải dài trên những triền đồi, hứa hẹn mùa vải bội thu đối với bà con nông dân huyện M’Drắk.

Vào thời điểm quả vải bắt đầu chín rộ, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhiều hộ gia đình ở xã Ea Pil đã và đang tập trung thu hoạch vải nhập cho thương lái. Tại vườn vải của gia đình bà Đàm Thị Choòng (thôn 2, xã Ea Pil), tất cả các thành viên trong gia đình đều tất bật, khẩn trương thu hoạch vải, đóng gói thành từng thùng theo yêu cầu của khách hàng. Bà Choòng phấn khởi cho biết, năm 2015, bà đã mạnh dạn đưa giống vải U Hồng về trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 1,5 ha đất của gia đình. Qua quá trình chăm sóc, bà nhận thấy cây vải U Hồng phát triển khá tốt trên vùng đất Ea Pil. Sau 3 năm, cây ra quả đều và năng suất cao, có màu sắc đẹp, vị ngọt thanh…được khách hàng rất ưa chuộng, thương lái tìm vào tận vườn đặt mua. Mùa vải năm nay, gia đình bà thu hoạch hơn 7 tấn quả với giá bán tận vườn từ 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình bà thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi, cao hơn so với trồng mía trước đây.

Người dân tham quan mô hình vải của gia đình bà Đàm Thị Choòng

Gia đình chị Vũ Thị Mùi (ở thôn 9, xã Cư Prao) là một trong những hộ có diện tích canh tác vải tương đối lớn và hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Cư Prao. Chị Mùi cho biết, trước đây gia đình chị chủ yếu tập trung vào những cây trồng ngắn ngày như đậu đỗ, mè, mía. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây vải, từ năm 2017 đến năm 2020 gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi 4 ha sang trồng vải U Hồng, đồng thời đầu tư hệ thống tưới nước tự động…theo chị Mùi, trồng vải chỉ vất vả 2-3 năm đầu, từ năm thứ 4 cây vải bắt đầu cho thu bói vì vậy người nông dân cũng đỡ vất vả hơn. Bên cạnh đó, tuổi thọ của cây vải có thể kéo dài từ 25-30 năm nên không mất thêm chi phí đầu tư. Ước tính 2 ha vải năm đầu thu bói của gia đình đạt năng suất 2 tấn, với mức giá hiện tại khoảng 25.000- 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình chị và một số hộ dân trong xã còn chiết cành bán giống, với giá 25.000 đồng/bầu và truyền đạt kinh nghiệm canh tác cho bà con khác cùng làm theo.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện M’Drắk đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như nhãn, vải, bưởi, quýt theo hướng sản xuất công nghệ cao. Đến nay, huyện M’Drắk có trên 1.301 ha cây ăn trái, trong đó vải 162,7 ha, tập trung ở xã Ea Pil 115,7 ha; Cư Prao 35 ha, Cư Króa 12 ha. Theo đánh giá, cây vải ở huyện M’Drắk phù hợp với tình hình thổ nhưỡng ở địa phương, thường ra trái vụ so với các tỉnh phía Bắc, chất lượng và sản lượng tương đối cao, nên rất được ưa chuộng. Năm 2021 huyện M’Drắk tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn trái nói chung lên trên 1.500 ha.

Mỹ Sự - Thúy Diệp

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready