Phát triển Tây Nguyên xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc (01/07/2022, 15:11)

Sáng 01/7, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (Nghị quyết số 10) ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12-KL/TW (Kết luận số 12) ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Tây Nguyên.

Quang cảnh Hội nghị

Dự và đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết, thành viên Tổ biên tập, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo 5 địa phương vùng Tây Nguyên cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học…

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10 và 10 năm thực hiện Kết luận số 12, các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cơ bản được hoàn thành, qua đó đã khẳng định Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc sống. Kinh tế vùng Tây Nguyên đã đạt được kết quả khá toàn diện, quy mô kinh tế được mở rộng; chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; các ngành dịch vụ du lịch có bước phát triển khá. Vùng Tây Nguyên dần trở thành vùng du lịch sinh thái – văn hóa có sức hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên. Mạng lưới y tế dự phòng các tỉnh Tây Nguyên đã được củng cố. Đời sống văn hóa của nhân dân Tây Nguyên ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều di tích văn hóa lịch sử được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Công tác giảm nghèo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thảo luận tại Hội nghị

Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được chú trọng. Công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước được chú trọng. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước được thực hiện hiệu quả, qua đó khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo, xây dựng thôn, buôn; đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dần từ thụ động sang chủ động, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. QP-AN được giữ vững, công tác xây dựng Đảng được quan tâm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển vùng Tây Nguyên thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như: phát triển kinh tế vùng chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại trong giai đoạn 2010-2020, quy mô GRDP của vùng còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng thấp; phát triển văn hóa – xã hội còn nhiều bất cập, nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; lĩnh vực giáo dục đào tạo chuyển biến còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực và các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân vùng Tây Nguyên thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn cao so với bình quân cả nước…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đã thảo luận và đề xuất các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm bảo đảm an ninh chính trị, an ninh dân tộc, tôn giáo, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045…; giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển nông sản chủ lực, đặc thù vùng Tây Nguyên; phát triển hệ thống giao thông, vận tải vùng Tây Nguyên; phát triển văn hóa và du lịch vùng Tây Nguyên; phát triển và tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ cho phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên; nhiệm vụ và giải pháp phát triển tỉnh Đắk Lắk với vai trò trung tâm, liên kết, điều phối vùng Tây Nguyên; nhiệm vụ và giải pháp phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ bền vững hệ sinh thái rừng trên địa bàn Tây Nguyên…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý trên các trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương; đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mê Công và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia và ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu phát triển Tây Nguyên phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là điểm đến đặc sắc thu hút khách du lịch; hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với phát triển KT-XH, môi trường, đảm bảo QP-AN; phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; thực hiện việc chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số song hành với quá trình chuyển đổi số quốc gia trên tất cả các lĩnh vực; nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao tiềm lực phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển KT-XH tương xứng với vị trí chiến lược của Tây Nguyên với cả nước; đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân; xử lý có hiệu quả quản lý đất đai các nông, lâm trường; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng; tập trung tối đa các nguồn lực cả trong và ngoài Nhà nước, cả ở Trung ương và địa phương cho đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên...

Minh Huệ - Bá Lục – Tuấn Hải

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready