Phát triển toàn diện, hiệu quả giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên (24/03/2023, 15:18)

Ngày 24/3, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Leo Thị Lịch - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương cùng lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung; Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong thời gian qua, hệ thống mạng lưới trường, lớp học vùng Tây Nguyên đã được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 494 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên so với năm học 2010 - 2011).

Ngành GD-ĐT các địa phương đã tích cực chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển GD-ĐT của địa phương. Việc bố trí, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đảm bảo theo khung năng lực, theo vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương. Năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 82.066 giáo viên các cấp học (tăng 8.048 giáo viên so với năm học 2010 - 2011). Đến nay, về cơ bản đội ngũ giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại hội nghị.

Kết quả phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc. Chất lượng giáo dục phổ thông có chuyển biến tích cực và thu hẹp dần khoảng cách với các địa phương trong cả nước. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn từng bước được mở rộng, góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH.

Tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT tại khu vực tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT là 12.812 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2011.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác GD-ĐT vùng Tây Nguyên còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu; cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học; chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước; chất lượng dạy học môn tiếng dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được kỳ vọng; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Thảo luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cho biết, thời gian qua, GD-ĐT Đắk Lắk đã có những bước phát triển quan trọng trong bối cảnh đổi mới. Tuy nhiên, chất lượng GD của tỉnh vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, thừa thiếu giáo viên cục bộ… Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Tây Nguyên có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đây cũng là cơ hội để các địa phương trong vùng đánh giá tình hình GD-ĐT giai đoạn 2011 – 2022, từ đó đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp, góp phần định hướng quan trọng để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Bộ GD-ĐT đề ra mục tiêu đến năm 2030, GD-ĐT vùng Tây Nguyên được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; nâng cao chất lượng giáo dục; quy hoạch mạng lưới trường, lớp hợp lý hơn; nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, gắn với nhu cầu phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc, coi đây là khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng. Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng GD-ĐT của vùng Tây Nguyên tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, để tiếp tục phát triển hiệu quả GD-ĐT vùng Tây Nguyên, các địa phương cần có nhận định, đánh giá về đặc điểm của vùng, của địa phương để kịp thời đưa ra những chính sách, định hướng phát triển phù hợp; tiếp tục phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục; tập trung cao độ cho việc triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo đổi mới hiệu quả giáo dục; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; quy hoạch mạng lưới trường, lớp khoa học, đảm bảo tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh; giáo dục phổ thông của Tây Nguyên phải đảm bảo bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao dân trí cho người dân nhằm đảm bảo phục vụ hiệu quả quá trình phát triển KT-XH; tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người học đại học trong độ tuổi nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready