Tăng cường đấu tranh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (19/05/2023, 16:26)

Triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra kinh doanh trên môi trường mạng, hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại địa bàn.

Chủ động ngăn chặn và xử lý 

Theo số liệu của Bộ Công Thương tổng bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng của năm 2021 đạt từ 13,5 - 13,7 tỉ USD, năm 2022 thị phần bán lẻ trực tuyến là trên 16 tỉ USD và dự báo đến năm 2025 là trên 38 tỉ USD, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát... phát triển mạnh. Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử ở Việt Nam thì tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách...

Ông Nguyễn Văn Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tại khu vực Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có vai trò là trung tâm, liên kết, điều phối vùng, vì vậy, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng được ngành Công Thương chú trọng, nhằm mang lại lợi ích tiêu dùng và thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, với sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hình thức kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử, các quy định hiện hành đã có nhiều bất cập, hành lang pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của hình thức kinh doanh mới. Một số doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng dẫn đến vẫn còn sự tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng với doanh nghiệp..

Sở Công Thương Đắk Lắk và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ký kết hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử giai đoạn 2022 - 2025.

Qua theo dõi của lực lượng chức năng rất nhiều đối tượng địa bàn tỉnh đã lợi dụng môi trường thương mại điện tử, đặc biệt là các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với nhiều chủng loại khác nhau gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của thị trường.Vi phạm chủ yếu phát hiện trên khâu lưu thông và nền tảng website thương mại điện tử bán hàng.

Mới đây, trong 4 tháng ra quân, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ trên địa bàn với số tiền hơn 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Hàng hoá buộc tiêu huỷ chủ yếu là các quần áo, giày dép, linh kiện điện thoại gắn các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam như: Adidas, BURBERRY, LOUIS VUITTON…

Trưng bày quy trình nhận biết hàng thật và hàng giả tại hội nghị tập huấn chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử

Bên cạnh đó, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Tổ công tác Thương mại điện tử (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk) tiến hành kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột. Kết quả kiểm tra cho thấy, bà Đ.H.N là chủ cơ sở kinh doanh đang bày bán hàng trăm sản phẩm giày thể thao, trên nhãn hàng hoá không thể hiện rõ nội dung về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn hoặc bất kỳ chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá. Chủ cơ sở khai nhận mua hàng hoá trôi nổi trên thị trường, sau đó thuê các KOL (người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng) tạo video ngắn để bán hàng trên các tài khoản mạng xã hội Instagram với hơn 200.000 lượt người theo dõi do bà Đ.H.N sở hữu. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Đ.H.N và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định.

Kiến nghị thêm cơ chế kiểm soát hoạt động

Ông Mai Mạnh Toàn- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho hay, Tổ công tác Thương mại điện tử đã tích cực chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh phối hợp với các Đội Quản lý thị trường trong công tác xử lý vi phạm về thương mại trên nền tảng điện tử, góp phần ổn định thị trường và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Thống kê từ đầu năm 2023 đến 19/5/2023, kiểm tra, xử lý 39 vụ; xử phạt 780 triệu đồng, Hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gồm 426 sản phẩm giày dép, quần áo… giả mạo nhãn hiệu; 5.315 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gồm: Mỹ phẩm, quần áo, giày dép, điện thoại di động, linh kiện điện tử.. tổng trị giá trên 338 triệu đồng.

 Cục Quản lý thị trường kiểm tra hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử tại Đắk Lắk

Thực tế triển khai nhiệm vụ cho thấy, một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh trực tuyến là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo cho cơ quan nhà nước khi tham gia hoạt động thương mại điện tử vẫn còn rất thấp.

Việc xử lý đối với các cơ sở vi phạm cũng gặp không ít trở ngại, các website thương mại điện tử không cung cấp hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về chủ sở hữu website cũng như thông tin về địa điểm kinh doanh. Một số trường hợp chủ cơ sở lại không thừa nhận website đó do mình thiết lập và quản lý; khi bị kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa… trang web ngay tại thời điểm kiểm tra dẫn đến việc chứng minh vi phạm trên website thương mại điện tử đó rất khó khăn.

Bên cạnh đó, một số cá nhân thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch, live stream bán hàng nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa bên trong khu vực sinh hoạt cá nhân dẫn đến công tác tiếp cận, trinh sát mục tiêu có nhiều diễn biến phức tạp. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện và xử lý vi phạm còn nhiều bất cập, ông Mai Mạnh Toàn nhấn mạnh.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia  cho biết, thời gian tới các lực lượng chức năng sẽ triển khai hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 và Kế hoạch số 399 ngày 10/10/2020 của BCĐ 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra lực lượng chức năng, chia sẻ thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng bán hàng trên sàn thương mại điện tử cảnh báo nguy hại và người dân chủ động báo cáo hành vi với lực lượng chức năng. Chúng tôi sẽ đầu tư thiết bị hiện đại để phát hiện ngăn chặn hành vi gian lận trên sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả cao.

Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương - Bộ Công thương tổ chức tập huấn kỹ năng quảng cáo, thu hút khách hàng trên nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk.

Trong đó tập trung các nội dung về nhận diện phương thức, thủ đoạn và một số giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tỉn truyền thông và kinh doanh hàng giả, hàng cấm qua đường bưu chính và Internet; trốn thuế và giải pháp xử lý trong hoạt động thương mại điện tử; vi phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử.

Tổ công tác Thương mại điện tử- Cục Quản lý trường tỉnh ĐắkLắk sẽ đẩy mạnh phối hợp với các Đội Quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thương mại đối với các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa.

Tăng cường rà soát, phân loại các website TMĐT đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tiếp tục biên soạn, đăng tải các thông tin về hoạt động của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk lên trang Facebook và website của Cục, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Phối hợp với cơ quan Thuế kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các cơ sở kinh doanh online trên địa bàn tỉnh.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready