Tìm giải pháp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tỉnh Đắk Lắk (15/09/2023, 03:30)

Sáng 15/9, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức Hội thảo hỗ trợ HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, hướng tới liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo trên địa bàn tỉnh.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX tỉnh, Công ty Cổ phần Nông nghiệp xanh Chơn Chính (Đồng Tháp) và các HTX sản xuất lúa gạo trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, tính đến 31/8/2023, toàn tỉnh có khoảng 20 HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ lúa gạo.Tổng vốn điều lệ khoảng 24 tỉ đồng, bình quân 1.5 tỉ đồng/HTX. Thu hút hơn 2.800 thành viên tham gia. Diện tích lúa canh tác khoảng 5.000 ha, hầu hết là của thành viên HTX, rất ít HTX có đất canh tác riêng (khoảng 548 ha của HTX NN 714 (383,7 ha) và HTX Thăng Bình 1 (370 ha)). Sản lượng bình quân khoảng 86.000 tấn/năm.  Khả năng cung ứng của HTX khoảng 150.000 tấn/năm. Các loại giống canh tác: chủ yếu là ST 24, 25; Đài thơm, RVT…

Ông Huỳnh Bài –Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh phát biểu tại hội thảo

 Hầu hết các HTX đều có trụ sở làm việc (một số HTX thuê hoặc mượn nhà riêng của thành viên để làm trụ sở giao dịch), 1 số HTX đã đầu tư sân phơi, nhà kho, một số máy móc chế biến: máy sấy, máy gặt, máy xay, máy làm đất. Có HTX đã đầu tư sản xuất các sản phẩm từ lua gạo như: HTX Giảm nghèo Ea Súp đầu tư máy làm bún, phở khô từ gạo Briết, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. HTX lúa Ea Súp đầu tư sản xuất nước uống lên men từ gạo, đang làm thủ tục cấp chứng nhận nhãn hiệu và OCOP. HTX Bình Minh, 714, Thăng Bình, Giảm nghèo Ea Súp, Cánh đồng 8/4… sản phẩm gạo đã đăng ký nhãn mác và đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao.

Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Chơn Chính – tỉnh Đồng Tháp tham gia ý kiến

Về nhu cầu liên kết tạo vùng nguyên liệu lúa gạo và khả năng cung ứng, hiện nay chủ yếu các HTX làm dịch vụ thủy lợi, cung ứng vật tư, giống lúa cho các thành viên. Một số HTX có tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho thành viên cung ứng cho các công ty TNHH XNK Chân Chính (Đồng Tháp Mười), công ty cổ phần lương thực Nam Bình (Hà Nội). Tuy nhiên sản lượng HTX tiêu thụ cho thành viên chưa được nhiều, khoảng 50.000 tấn/năm. Phần còn lại các thành viên tự tiêu thụ thông qua các thương lái.

Ông Đoàn Công Bình- HTX NN Thăng Bình I- Huyện Krông Ana chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cho rằng, việc tổ chức sản xuất còn thiếu sự đồng nhất về giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch chưa đảm bảo, do đó chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Chưa có sự liên kết tập trung vào đầu mối trong khâu tiêu thụ nên hầu như chưa tạo được vùng nguyên liệu lớn để đáp ứng nhu cầu của các công ty xuất nhập khẩu (sản lượng, chất lượng, giá, phương thức thu mua, vận chuyển…). Vì vậy cần thiết có sự liên kết chặt chẽ giữa HTX và thành viên (thông qua hợp đồng) và sự liên kết giữa các HTX thành 1 đầu mối để ký kết hợp đồng cung ứng cho Công ty đối tác.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo

Trao đổi tại hội thảo, các HTX cũng có những ý kiến, kiến nghị nhằm xây dựng vùng sản xuất lúa bền vững như: Công ty cần phân biệt giữa giá lúa sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGap với lúa sản xuất thông thường; khắc phục các vấn đề trong khâu vận chuyển; thống nhất phương thức thanh toán, giá cả; tích cực vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; ký kết tiêu thụ lúa gạo tạo niềm tin cho người dân; mong muốn Công ty xây dựng nhà máy, cơ sở thu mua tại tỉnh đẻ rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển…

Công ty Cổ phần Nông nghiệp xanh Chơn Chính (Đồng Tháp) đã tặng cho Liên minh HTX tỉnh số tiền 20.000 triệu đồng. 

Nhân dịp này, Công ty Cổ phần Nông nghiệp xanh Chơn Chính (Đồng Tháp) đã tặng cho Liên minh HTX tỉnh số tiền 20.000 triệu đồng. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Bài –Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, kỳ vọng sau Hội thảo sẽ tổ chức liên kết được các HTX và ký kết thỏa thuận/hợp đồng với Công ty đối tác, triển khai tiêu thụ sản phẩm hiệu quả sẽ thu hút nhiều HTX tham gia hơn, mở rộng quy mô vùng trồng, tạo nguồn lợi cho thành viên và nông dân trong vùng nguyên liệu, nâng cao vai trò của HTX trong phát triển kinh tế -xã hội đối với các địa phương.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp xanh Chơn Chính đã giới thiệu sơ lược về tình hình hoạt động, sản xuất của đơn vị. Công ty thành lập vào năm 2015 tập trung sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Đến 2018 trở thành nhà máy gia công, cung ứng sản phẩm trong nước và năm 2023 bắt đầu xuất khẩu lúa gạo.  Bao tiêu sản phẩm với diện tích 30 – 40.000 ha lúa/ năm với các HTX, tổ hợp tác và các tiểu thương ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tiêu thụ các giống lúa như: ST 21, ST 24, ST 25, OM 18, Đài Thơm 8… Doanh thu tiêu thụ lúa gạo trong và ngoài nước đạt khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Mục tiêu từ 2023 – 2030, Công ty sẽ liên kết với HTX, người dân ở các tỉnh trong cả nước nhằm hình thành chuỗi khép kín, cung ứng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất đảm bảo nhu cầu xuất khẩu, góp phần mang lại giá trị lâu dài. Do vậy, Công ty mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và liên kết, phát triển với các HTX trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đơn vị đã trao đổi về những quan điểm, mong muốn trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ trong thời gian tới. Trong giai đoạn đầu, Công ty dự kiến sẽ xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất 2.000 ha lúa trên địa bàn tỉnh

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready