Tìm giải pháp tiếp cận thị trường quốc tế đối với sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk (16/11/2023, 14:30)

Sáng 16/11, Viện Nghiên cứu Châu Âu- Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ Việt Nam và Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học khả năng tiếp cận thị trường quốc tế đối với sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự chủ trì hội thảo có PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng-Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu; TS Đinh Khắc Tuấn –Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh; TS. Nguyễn Ngọc Tuyên- Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên; lãnh đạo Sở, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh; chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ và thảo luận một số nội dung gồm: Cơ hội và thách thức đối với sản phẩm OCOP của Tỉnh Đắk Lắk tiếp cận thị trường EU; Đặc điểm và khả năng tiếp cận thị trường CHLB Đức đối với sản phẩm OCOP Tỉnh Đắk Lắk; Giải pháp phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP Tỉnh Đắk Lắk; Rào cản và giải pháp tiếp cận chuỗi phân phối trong và ngoài nước đối với sản phẩm OCOP Đắk Lắk; Giải pháp tiếp cận thị trường quốc tế đối với sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk;

TS Đinh Khắc Tuấn –Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phát biểu đề dẫn

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Đinh Khắc Tuấn –Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, trên cơ sở quyết định của UBND Tỉnh Đắk Lắk,  Sở  Khoa học và Công nghệ đã ký hợp đồng với Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên, giao đề tài nghiên cứu giải pháp tiếp cận thị trường CHLB Đức đối với sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk thực hiện từ đầu năm 2023 đến nay đã thu được nhiều kết quả khả quan phục vụ cho nghiên cứu. Lũy kế đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh Đắk Lắk đã công nhận được 149 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, gồm: 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao và 129 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế.

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài, Hội thảo sẽ tập trung để làm sáng tỏ nhiều vấn đề có liên quan đến thực trạng các sản phẩm OCOP và các chủ thể OCOP của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước, khả năng phát triển tiêu thụ sản phẩm OCOP sau khi đạt chuẩn sao cũng như đánh giá khách quan từ các ý kiến của nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý doanh nghiệp OCOP, nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu tham mưu cho các cấp và các chủ thể sản phẩm OCOP có thể tiếp cận và phát triển thị trường quốc tế trong tương lai gần. Hội thảo đã nhận được hơn 20 bài viết tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp. Trong quá trình biên tập, ban tổ chức đã hiệu đính và đăng tải 10 bài sát với chủ đề hội thảo và cũng sẽ tiến hành báo cáo tham luận 5 bài đề dẫn quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng-Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu tham gia ý kiến

TS. Nguyễn Ngọc Tuyên- Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên cho rằng, đối với sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk có thể tiếp cận thị trường EU qua đánh giá từ tận dụng cơ hội của hiệp định thương mại EVFTA đem lại như, cơ hội cạnh tranh về giá từ cắt giảm thuế quan, cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh, cơ hội từ việc tiết giảm các rào cản phi thuế quan, cơ hội từ việc thuận lợi hóa thủ tục hải quan; cơ hội từ các cam kết về bảo hộ Chỉ dẫn địa lý của EU.

Tuy nhiên, sản phẩm OCOP của Đắk Lắk cũng sẽ đối diện với những thách thức khi tiếp cận thị trường EU thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan; thách thức từ các tiêu chuẩn an toàn, kiểm soát động thực vật; thách thức từ việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường.

TS.Phạm Hùng Tiến chuyên gia nghiên cứu thị trường CHLB Đức khuyến nghị cần tư duy làm sản phẩm OCOOP gắn với câu chuyện của địa phương

Do đó, tỉnh Đắk Lắk cần tham khảo kinh nghiệm Thái Lan và tỉnh Sơn La làm tốt công tác đưa sản phẩm otop và ocop vào thị trường EU.Bên cạnh đó cần tăng cường tính chủ động từ cấp chính quyền địa phương đến chủ thể OCOP trong tiếp cận, tận dụng, khai thác các cơ hội mà EVFTA mang lại co sản phẩm OCOP của địa phương; Định hướng mục tiêu tiếp cận thị trường EU ngay từ khi xây dựng sản phẩm OCOP để cải thiện và đáp ứng tiêu chuẩn TBT và SPS; Chủ thể sản phẩm OCOP cần xác định đầu tư vào năng lực cạnh tranh để tạo lợi thế riêng biệt cho sản phẩm OCOP và thương hiệu.

Để gia tăng khả năng tiếp cận với thị trường CHLB Đức, TS. Hoa Hữu Cường- Viện nghiên cứu Châu Âu gợi mở, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung 3 sản phẩm chủ lực gồm Cà phê, bơ, mảng cầu. Trong đó, cơ quan chức năng  đánh giá đặc điểm thị trường, quy mô thị trường, nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, kênh phân phối. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, quy định kiểm dịch thực phẩm, ghi nhãn, bao gói, vấn đề cạnh tranh với quốc gia khác, xây dựng kết nối mạng lưới phân phối, quảng bá, marketing dựa vào phát huy sức mạnh tài nguyên bản địa.

Dưới góc nhìn tư duy làm sản phẩm OCOP cần phải khác biệt, TS.Phạm Hùng Tiến chuyên gia nghiên cứu thị trường CHLB Đức khuyến nghị, cơ quan chức năng cần quy hoạch phát triển sản phẩm, doanh nghiệp Đắk Lắk cần có sự liên kết giữa các chủ thể, tiếp tục tìm hiểu về dự báo thị trường, tham gia sâu vào trong chuỗi liên kết xuất nhập khẩu doanh nghiệp Việt Nam, tham vấn kinh nghiệm tham gia chuỗi cung ứng vào trị trường CHLB Đức. Đặc biệt, sản phẩm Ocop  phải độc đáo sáng tạo gắn với câu chuyện, gắn với cảm xúc để thu hút người tiêu dùng; người mua sẽ trải nghiệm nhiều hơn trong marketing địa phương...

Tại phiên thảo luận, đa số  ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học tập trung nhìn nhận lại những vướng mắc và tồn tại từ  nội tại của doanh nghiệp thực tế thời gian qua mà các chủ thể sản phẩm OCOP cần hỗ trợ, tháo gỡ để có thể tiếp cận tốt hơn thị trường trong và ngoài nước; làm rõ cơ chế, chính sách của quản lý nhà nước đã thực sự là bệ đỡ cho sản phẩm OCOP tỉnh  phát triển; cơ hội, triển vọng hợp tác theo mô hình 4 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông để sản phẩm OCOP của Đắk Lắk vươn tầm quốc tế; giải pháp liên kết giữa các chủ thể làm sản phẩm OCOP gia nhập thị trường quốc tế phải tăng cường bản sắc, tính độc đáo, gắn thương hiệu địa phương.

Kim Bảo

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready