Triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại (01/07/2020, 10:03)

Ngày 19/6/2020, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk nhận được Công văn số 2096/SYT-KHNVY ngày 19/6/2020 của Sở Y tế về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại và báo cáo số 202/BC-KSBT ngày 25/6/2020 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh về trường hợp nghi do mắc bệnh dại tại xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo: Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 05 trường hợp tử vong do bệnh dại tại các huyện: Krông Búk (02 trường hợp); Krông Pắc; Ea H’Leo và M’Đrắk.

Để phối hợp triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 về phê duyệt chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06/7/2017 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại và Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các Sở ngành có liên quan và Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

  1. UBND các huyện, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột:

a) Xây dựng Kế hoạch phòng chống bệnh dại trên động vật và người tại địa phương, bố trí kinh phí bằng nguồn ngân sách địa phương cho cơ quan chuyên môn để triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại; Chủ trì, phối hợp với cơ quan thú y tổ chức rà soát, thống kê chính xác số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn.

b) Chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn.

 - Tiến hành rà soát, thống kê và lập danh sách cụ thể từng hộ nuôi chó, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu để năng cao tỷ lệ tiêm phòng theo quy định, đặc biệt các xã có trường hợp tử vong do bệnh dại tại các huyện (Krông Búk; Krông Pắc; Ea H’Leo và M’Đrắk) tất cả chó, mèo trong diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

- Lập biên bản ký cam kết tất cả các hộ nuôi chó, mèo không thả rông chó, mèo, phải đeo rọ mõm và dây xích khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, phải tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo.

- Tổ chức triển khai tiêm phòng cho đàn chó, mèo phải đạt 60-70% tổng đàn chó, mèo của từng địa phương để có miễn dịch chủ động với bệnh dại, tổ chức tiêm bổ sung cho chó, mèo mới phát sinh hoặc bị bỏ sót chưa được tiêm.

- Thành lập tổ, đội bắt chó, mèo có dấu hiệu mắc bệnh dại và chó, mèo thả rông trong vùng có ổ dịch dại để xử lý. 

- Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện, thông báo kịp thời cho UBND huyện, thị xã, thành phố, cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y và Trung tâm y tế các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất những trường hợp người chết vì bệnh dại.

2. Sở Y tế: Chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đơn vị y tế tuyến huyện, xã thực hiện tốt các nội dung tại Kế hoạch liên ngành số 17/KHLN-CNTY-TTKSBT ngày 08/01/2020 về việc phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bệnh truyền lây giữa động vật và người năm 2020. Chủ động phối hợp với cơ quan thú y nâng cao giám sát bệnh dại trên người và động vật; đặc biệt các trường hợp bị chó nghi dại cắn; Lập sổ quản lý các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại để theo dõi, vận động đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời.

3. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đến từng cộng đồng dân cư, từng thôn, ấp, bản, trường học về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết của bệnh dại, cùng các chế tài xử lý vi phạm về nuôi chó, mèo và phòng, chống bệnh dại động vật theo quy định của Chính phủ; trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo đối với cộng đồng; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý.

4. Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

a) Triển khai thực hiện tốt các nội dung tại Kế hoạch liên ngành số 17/KHLN-CNTY-TTKSBT ngày 08/01/2020 về việc phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bệnh truyền lây giữa động vật và người năm 2020.

b) Chỉ đạo trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện thị xã, thành phố thực hiện:

- Phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức rà soát, thống kê chính xác và báo cáo số lượng tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn quản lý; tiến hành tiêm phòng bổ sung sau đợt tiêm đại trà để đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 60 - 70% so với tổng đàn thực tế.

- Tăng cường phối hợp, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Phối hợp với các đơn vị y tế tuyến huyện, xã trao đổi, nắm bắt thông tin về giám sát bệnh dại trên người, đặc biệt các trường hợp bị chó nghi dại cắn tại địa phương.

- Tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã (đặc biệt các xã đã xảy ra trường hợp tử vong do bị chó, mèo dại cắn) đăng ký bổ sung vắc xin dại để triển khai tiêm phòng, tăng khả năng bảo hộ cho đàn chó, mèo tại địa phương./.

Hồng Mong

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready