Tiếng cồng chiêng ngân xa cùng hương vị cà phê (30/11/2016, 08:48)

Nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nhớ ngay đến hai thứ "đặc sản" thu hút du khách, đó là Không gian văn hóa cồng chiêng và cà phê. Ngày 15-11-1999, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã vinh dự được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

5w04_20c

Một góc lễ hội của người Tây Nguyên tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Nguyên Thanh

17 năm qua, cồng chiêng Tây Nguyên đang được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, trở thành nét văn hóa đặc sắc mà người Tây Nguyên nâng niu, giữ gìn như chính tâm hồn mình. Để tiếng cồng chiêng tiếp tục ngân xa, hòa quyện cùng với hương vị cà phê, níu chân du khách, tại đây đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa đang được xúc tiến.

Bản sắc Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Các chuyên gia văn hóa cũng đã xác định, chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau như: Ê Đê, Ba Na, Xê Đăng, M’nông, Cơ Ho, RơM ăm, J’rai, Lặc, Mạ... Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố: Cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên...).

Từ ngàn đời nay, cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Hầu như trong tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên luôn có cồng chiêng hiện diện: Lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới hỏi, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả, lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới... Đến năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, càng chứng tỏ giá trị đặc biệt của di sản này.

Sinh thời, GS Trần Văn Khê từng nhấn mạnh: "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là tiếng cồng, tiếng chiêng, mà còn bao gồm cả: Văn hóa ẩm thực, dệt thổ cẩm, đời sống lao động, tâm linh... của người Tây Nguyên. Chính vì vậy, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của cồng chiêng Tây Nguyên, đồng thời luôn giữ được mạch nguồn, không bị đứt đoạn là một điều cần thực hiện một cách bền bỉ và khoa học".

Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng như Tây Nguyên, Lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, vừa là một sản phẩm du lịch "ăn khách" của vùng cao nguyên lộng gió này.

4nbi_20b

Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hiếu

Hương vị đặc trưng của miền đất đỏ

Qua các tài liệu nghiên cứu, cây cà phê được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (năm 1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk, tập trung chủ yếu ở Buôn Ma Thuột. Theo số liệu niên giám thống kê năm 2006, tỉnh Đắk Lắk hiện có 174.740ha cà phê. Đây cũng là nơi được xem là vựa cà phê có năng suất cao nhất thế giới 2,5 tấn/ha... Đến nay, thương hiệu "Cà phê Buôn Ma Thuột" đã nổi tiếng khắp nơi, cả trong nước và trên thế giới... Người Việt Nam ai cũng biết Tây Nguyên là "thủ phủ của cà phê", khi đến nơi này đều muốn được ngắm hoa cà phê trắng muốt nở bạt ngàn trên các nương, rẫy, ngắm những con ong miệt mài đi kiếm mật trên hoa cà phê. Đặc biệt, hương vị cà phê của Tây Nguyên đã hút hồn biết bao du khách, làm cho họ "say" và yêu mến vùng đất tươi đẹp này với mong muốn được nhiều lần trở lại. Lễ hội cà phê cũng chính là điểm nhấn của vùng đất vốn nhiều nét văn hóa đặc sắc, phong cảnh hữu tình.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm một lần nhằm quảng bá hình ảnh Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk là vùng đất huyền thoại, giàu bản sắc dân tộc. Nhiều bà con dân tộc ở đây còn nhớ, lễ hội lần đầu tiên được tổ chức năm 2005 trong chương trình quảng bá hình ảnh thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Bên cạnh các hoạt động trao đổi về quy trình, cách thức sản xuất, chế biến cà phê, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cũng được tổ chức sôi nổi trong lễ hội. Lễ hội cũng nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây và chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam, loài cây mũi nhọn đã đem lại sự ấm no, trù phú cho vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Việc lồng ghép Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên vào chuỗi các hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2017 sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là một cách để gắn kết cồng chiêng vào đời sống, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Lồng ghép Lễ hội cà phê với Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã họp bàn về việc tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI năm 2017. Theo đó, Lễ hội sẽ diễn ra vào tháng 3-2017. Đặc biệt, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã gửi công văn tới Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xin lồng ghép Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên vào chuỗi các hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Chủ trương đó đã được Bộ VHTT&DL đồng ý.

Theo Bộ VHTT&DL, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI năm 2017 gắn với Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên là 2 sự kiện quan trọng, nổi bật của tỉnh Đắk Lắk. Theo Ban tổ chức lễ hội, chủ đề của sự kiện này được xác định là "Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển". Lễ hội cà phê và Liên hoan cồng chiêng lần này nhằm hướng tới mục tiêu quảng bá thương hiệu "Cà phê Buôn Ma Thuột", nâng cao giá trị ngành cà phê đối với người sản xuất và kinh doanh cà phê của tỉnh Đắk Lắk cũng như trên cả nước, khẳng định vị thế cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Qua đó giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của Đắk Lắk nhằm mời gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Báo Biên Phòng

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready