Điểm tin một số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Đắk Lắk (Tuần 5 tháng 12/2024) (02/01/2025, 16:35)

*Công văn số 11976/UBND-CN ngày 19/12/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tiếp tục tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) để thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VLXKN thực hiện những nhiệm vụ sau: tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 30/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường sản xuất, sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nắm bắt các quy định có liên quan, đồng thuận, tự giác thực hiện theo quy định và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung vào quá trình đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ và các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn khác; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm VLXKN của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của mình để Nhân dân có điều kiện tiếp cận thông tin và sử dụng sản phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc quản lý chất lượng sản phẩm VLXKN…

Gạch không nung (Nguồn internet)

*Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 25/12/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện Nghị quyết số 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới nhằm xây dựng môi trường lao động an toàn, đảm bảo sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau: tiếp tục tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý, người sử dụng lao động, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đối với công tác ATVSLĐ; triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong thực tiễn; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý  nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn địa phương quản lý; quản lý chặt chẽ các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh về dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ; quan trắc môi  trường lao động; khám sức khỏe định kỳ. khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ có trụ sở chính hoặc chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe người lao động, giải pháp bảo đảm ATVSLĐ tại doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động; tăng cường nguồn lực đầu tư gắn với đổi mới cơ chế tài chính trong thực hiện công tác ATVSLĐ; chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch có liên quan đến hoat động ATVSLĐ.

*Công văn số 12157/UBND-KGVX ngày 25/12/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường các biện pháp để ổn định quan hệ lao động trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả các nội dung sau: quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm; đảm bảo thanh toán tiền lương, tiền thưởng (nếu có) cho người lao động đúng hạn và bố trí nghỉ Tết đúng quy định; Theo dõi các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động những nội dung phát sinh tranh chấp như: tiền lương, làm thêm giờ, các khoản phúc lợi, tiền ăn giữa ca, đóng hưởng bảo hiểm xã hội…; công khai kế hoạch thưởng tết cho người lao động; không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật…

*Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 30/12/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về Thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2025 - 2030 nhằm phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2025 - 2030 với các nhiệm vụ sau đây: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh kế xã hội (như: xây dựng các chuyên mục trên Báo Đắk Lắk; phát sóng trên các chuyên trang, chuyên mục của Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk; tuyên truyền tập trung cho một số ngành như Nghệ thuật biểu diễn, Ẩm thực, Thủ công mỹ nghệ… trên các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội); đề xuất, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách (như: ban hành các chính sách ưu đãi phát triển văn hóa; ban hành chính sách ưu tiên cho các hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa…); đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực (như: phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo điều kiện để các nghệ nhân tham gia công tác đào tạo nghề, truyền nghề…); ứng dụng khoa học và công nghệ (như: áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao…); phát triển thị trường công nghiệp văn hóa (phát triển các lĩnh vực như: Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, Quảng cáo; Du lịch văn hóa; Ẩm thực; Thủ công mỹ nghệ; lĩnh vực Xuất bản…)…

Du khách tìm hiểu kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Ê Đê (Hình minh họa).

*Công văn số 12312/UBND-NNMT ngày 30/12/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ nhằm chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm có khả năng xảy ra trên diện rộng.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đơn vị không chủ quan, không lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tập trung vào các nội dung sau: thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi (các loại vắc xin như: Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục, Cúm gia cầm, Dại,…); thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh đảm bảo nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, vùng nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh như tiêm phòng, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học…

 

Thu Thủy

Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready