Sáng 11/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật. Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Xuân – Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đại diện các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh. Ông Y Khút Niê – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến vào dự thảo các Luật: Du lịch; Đường sắt; Thủy lợi; Tín ngưỡng, tôn giáo. Dự thảo Luật Du lịch có 10 Chương với 79 Điều quy định về hoạt động du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, các đại biểu đã có 6 ý kiến, trong đó đại biểu quan tâm đến các nội dung như: việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch (Điều 61); quyền của khách du lịch (Điều 5); đề nghị bổ sung thêm quyền được bồi thường thiệt hại tại Điều 62 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch; các trường hợp cấp đổi giấy phép kinh doanh lữ hành (Điều 37).
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Có đại biểu cho rằng, việc giải thích từ ngữ chưa rõ ràng, chưa phản ánh hết bản chất của ngành du lịch; nên có 1 chương riêng về du lịch tâm linh và nên có quy định riêng dành cho các điểm du lịch ở những nơi tôn nghiêm như Lăng Bác Hồ, các khu khu lịch liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng; nên có thêm quy định dành cho hướng dẫn viên du lịch quốc tế; cần quy định thêm một chương riêng cho công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động lưu trú, vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động du lịch…
Luật Đường sắt có 9 Chương với 95 Điều quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quy tắc, tín hiệu giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt. Góp ý vào dự thảo, ông Đỗ Bình Chính – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng việc quy định giá vé, cước vận tải hành khách tại Điều 62 quy định “ Giá vé vận tải hành khách, cước vận tải hành lý, bao gửi, hàng hoá trên đường sắt do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quyết định” là phù hợp nhưng cần có sự xem xét của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo tính cạnh tranh và quyền lợi của khách hàng. Đại diện Sở Tư pháp cho rằng, việc quy định Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý (Điều 60); Hợp đồng vận tải hàng hoá (Điều 61) đã có trong Luật Dân sự nên đưa vào Luật Đường sắt là không hợp lý. Các đại biểu cũng quan tâm góp ý vào các nội dung như: quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt (Điều 7); Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt (Điều 13); các điều kiện của nhân viên trực tiếp chạy tàu ( Điều 40)…
Ông Đỗ Bình Chính – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đường sắt.
Về Luật Thủy lợi, Luật này có 8 Chương với 67 Điều, quy định các hoạt động về thủy lợi; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động về thủy lợi; quản lý nhà nước về thủy lợi. Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, về nội dung điều tra cơ bản quy định tại Điều 9 mới dừng lại ở điều tra những cái đã có nên cần bổ sung thêm nội dung điều tra về tiềm năng phát triển thủy lợi. Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm đến các nội dung như: chiến lược phát triển thủy lợi; chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi; hình thức, nội dung đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; việc lập, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi…
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có 9 Chương với 69 Điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tham gia góp ý vào dự thảo, các đại biểu đề nghị cần giải thích cụm từ “tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại” quy định tại Điều 30 về Tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Ngoài ra, các đại biểu quan tâm góp ý vào các nội dung như: điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo (Điều 21); việc thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành (Điều 35); công tác quản lý đất cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 58); công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo…
Ông Y Khút Niê – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ông Y Khút Niê – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận các ý kiến của đại biểu góp ý vào các dự thảo Luật. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp báo cáo Quốc hội cũng như tham gia thảo luận tại Nghị trường trong Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV thời gian tới.
Thế Sự
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các cơ sở Phật giáo nhân Đại lễ Phật đản năm 2025 (09/05/2025, 11:04)
- Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm, chúc mừng các cơ sở Phật giáo nhân Đại lễ Phật đản 2025 (09/05/2025, 11:03)
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Năng mở rộng (08/05/2025, 21:48)
- Đề nghị sớm nghiên cứu các quy định cụ thể về hoạt động kiểm tra chuyên ngành (08/05/2025, 21:20)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) (08/05/2025, 14:26)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (08/05/2025, 08:39)
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về dược, an toàn thực phẩm (07/05/2025, 17:32)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận các dự án Luật (07/05/2025, 10:36)
- Ông Nguyễn Thiên Văn được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (07/05/2025, 10:07)
- Hơn 1.000 cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức tham gia Ngày hội hiến máu tình nguyện (06/05/2025, 16:24)
- Công bố PCI năm 2024 của Đắk Lắk: Nhiều chỉ số thành phần có sự cải thiện (06/05/2025, 15:30)