Hội thảo khoa học phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” (27/05/2022, 14:12)

Sáng 27/5, UBND Thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với di tích quốc gia.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn Chính phủ; KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam ; TS. KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; TS Trần Lan Anh- Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị; GS.TS Nguyễn Quốc Thông – Hội Kiến trúc sư Việt Nam .

Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng phát biểu khai mạc

Về phía tỉnh Đắk Lắk có Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang và lãnh đạo Sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Hội thảo thu hút  khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, du lịch đầu ngành của cả nước và các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ chế chính sách, kinh tế, xây dựng thương hiệu, phát triển đô thị, cơ chế chính sách, hội nghề nghiệp cà phê, du lịch, hạ tầng kỹ thuật…

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng  nhấn mạnh: Thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế, trung tâm của vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật hoàn toàn có đủ các lợi thế để trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới”. Buôn Ma Thuột còn là thành phố hạt nhân của vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng thế giới, nơi sản sinh hạt cà phê Robusta thơm ngon, được cộng đồng đam mê cà phê toàn cầu ưa chuộng.

Tuy nhiên để phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới” như kỳ vọng của Trung ương, UBND Thành phố rất cần những ý kiến đóng góp, những ý tưởng sáng tạo của các chuyên gia để có thể cụ thể hóa, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới”. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt, mới, lạ, chưa có tiền lệ từ trước đến nay nên Thành phố rất lúng túng, khó khăn trong triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo này thành phố Buôn Ma Thuột rất mong nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý từ các nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn, các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương về những giải pháp mang tính thiết thực, những khuyến nghị, kinh nghiệm thực tiễn về quy chế, thể chế, chính sách có tính đột phá, đề ra các tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới - một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh,... đồng thời xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột có tính khác biệt trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc.

TS.KTS Trương Văn Quảng – Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tham luận tại Hội thảo

Với vai trò đồng hành với tỉnh để xây dựng quy hoạch đô thị, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đô thị trong quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam có chủ trương khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị. Để xây dựng thương hiệu cho đô thị, trước hết phải xác định đô thị đó có gì khác biệt, có gì đặc trưng so với các đô thị khác tại Việt Nam và trên thế giới, để từ đó nâng tầm chúng lên thành thương hiệu.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ chia sẻ tại Hội thảo

Với Việt Nam, việc lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành các đô thị có thương hiệu với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch... có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực, quốc tế là rất cần thiết và cấp bách.

Ngày 09/7/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ –CP về Chương trình hành động thực hiện kết luận số 67-KLTW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giao UBND TP. Buôn Ma Thuột xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các chuỗi giá trị văn hóa bản địa gắn với các di tích quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PGS.TS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại Hội thảo

Với tinh thần đó, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sẽ tập trung trao đổi các nội dung chính sau: (1) Đánh giá tiềm năng, lợi thế, thực trạng sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột; (2) Đề xuất các tiêu chí, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, giải pháp thúc đẩy phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới”; (3) Phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với thương hiệu cà phê, phù hợp với các nguồn lực và có tính khả thi cao; (4) Đề xuất các mô hình công nghệ, tài chính, blockchain để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm giao dịch và quảng bá cà phê toàn thế giới; (5) Đề xuất giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian, cải tạo chỉnh trang, thiết kế đô thị TP. Buôn Ma Thuột theo định hướng tạo bản sắc riêng cho thành phố cà phê; (6) Đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích người dân tham gia xây dựng thương hiệu thành phố cà phê thế giới; Cơ chế chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và kinh doanh cà phê, cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố.

Các đại biểu tham quan sản phẩm nông nghiệp đặc trưng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà kỳ vọng thông qua hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục hiến kế, đồng hành với Thành phố Buôn Ma Thuột -tỉnh Đắk Lắk định hình vấn đề lớn trong phát triển đô thị lớn nhất vùng Tây Nguyên gắn với giá trị văn hóa lịch sử, địa lý, di tích quốc gia; phát triển theo hướng hiện đại, xanh, sinh thái, bản sắc đáp ứng chỉ tiêu Trung ương đã đề ra tại Kết luận 67 của Bộ Chính trị.

Mong rằng, Hội thảo hôm nay sẽ là nền tảng để thành phố định hướng xây dựng hoàn thiện Đề án phát triển thương hiệu thành phố buôn ma thuột trở thành “thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia trình chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành UBND thành phố Buôn Ma Thuôt, doanh nghiệp, người dân cùng chung tay phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”  trong tương lai.

Diễn ra trong 01 ngày, Hội thảo sẽ được nghe nhiều tham luận, bàn thảo tập trung vào nội dung gồm:  Thương hiệu đô thị và cách tiếp cận xây dựng thương hiệu cho thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thành phố Cà phê thế giới; Các nhân tố định vị thương hiệu Buôn Ma Thuột - thành phố Cà phê Thế giới; Cà phê đại ngàn và du lịch; Cùng kiến tạo và thức tinh vì thành phố Buôn Ma Thuột – thành phố Cà phê khác biệt - đặc biệt – duy nhất trên Thế giới; Buôn Ma Thuột – Kinh đô của Cà phê; Định hướng chất lượng môi trường đối với việc phát triển thương hiệu đô thị - Buôn Ma Thuột thành phố Cà phê thế giới; Không gian Ban Mê City;  Giải pháp phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối liên vùng theo định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phố Cà phê”;  Xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê thế giới” cho điểm đến du lịch thành phố Buôn Ma Thuột thực trang và những vấn đề đặt ra...

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready