Định hướng chiến lược xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (25/03/2019, 08:46)

Tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ, ngành, chuyên gia nhằm hiến kế xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với hạ tầng đồng bộ; đảm nhiệm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, chuyển giao khoa học công nghệ của vùng; có ngành công nghiệp năng lượng xanh quy mô lớn nhất trong khu vực Tây Nguyên. Dự kiến Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 60-KL/TW sẽ diễn ra vào ngày 28/3, tại Khách sạn Mường Thanh, thành phố Buôn Ma Thuột.

Thành tựu của 10 năm 

 Với định hướng xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Kể từ đầu năm 2010, Buôn Ma Thuột được công nhận là thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh. Đến nay tình hình kinh tế của thành phố đã có bước phát triển khá; công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ vẫn giữ vai trò chủ đạo. Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, chất lượng dịch vụ đô thị ngày càng được cải thiện; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc.

         

Bảo tàng Đắk Lắk một điểm nhấn kiến trúc trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột

Trong đó, nhiều công trình trọng điểm trên các lĩnh vực đã và đang được xây dựng, hứa hẹn diện mạo mới như các dự án: Đường Đông – Tây; nâng cấp đường từ Quốc lộ 14 vào hồ du lịch sinh thái Ea Kao; hồ thủy lợi Ea Tam; Nhà điều hành trung tâm Trường Đại học Tây Nguyên, Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên; mở rộng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và đấu nối với hộ gia đình khu vực nội thành; Dự án quản lý môi trường – quản lý chất thải rắn – bãi rác Hòa Phú…

Lễ hội cổ truyền dân tộc Thái mừng Xuân ở xã Hòa Phú

Song song đó, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi; mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục được nâng lên, trong đó có 441 phòng học được xây mới; hệ thống y tế phát triển mạnh về chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân… Đặc biệt, công tác giảm nghèo được chú trọng với nhiều dự án, chính sách hỗ trợ thiết thực, đến nay toàn thành phố chỉ còn 690 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,85%).

Ngày hội Văn hóa-Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột

Một thành tựu nổi bật của Buôn Ma Thuột nữa là đến cuối năm 2018, thành phố đã cơ bản hoàn thành 152/152 chỉ tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới và đã đề nghị công nhận hoàn thành trong năm nay. Từ sự hỗ trợ của  Nhà nước và đóng góp của nhân dân, bộ mặt nông thôn của 8 xã trên địa bàn thành phố đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng giao thông, cơ sở văn hóa, vật chất được xây dựng khang trang, đời sống người dân ngày càng đi lên.

Thành phố Buôn Ma Thuột vẫn chú trọng gìn giữ được nét truyền thống và mang bản sắc riêng

Theo số liệu thống kê của UBND TP. Buôn Ma Thuột, đến cuối năm 2018, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ; trong đó, công nghiệp – xây dựng chiếm 42,92%, dịch vụ 52,95%, nông – lâm nghiệp 4,13%; thu nhập bình quân đầu người đạt 77,92 triệu đồng/năm; 95% gia đình khu vực nội thành và 56,12% gia đình khu vực ngoại thành sử dụng nước sạch...

Bên cạnh việc đổi thay về diện mạo, thành phố BMT vẫn chú trọng gìn giữ được nét truyền thống và mang bản sắc riêng. Trong đó, phải kể các hoạt động góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn như: Đưa một số buôn vào phục vụ du lịch; tu bổ, cải tạo, sửa chữa  bến nước và phục dựng nhà dài truyền thống; mở lớp truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thanh, thiếu niên người DTTS; thành lập và duy trì các đội diễn tấu chiêng và đội văn nghệ dân gian.

Ngoài ra, đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các làng nghề, kết nối với tuyến du lịch làng nghề và văn hóa DTTS tại chỗ; tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho môi trường đô thị. Theo thống kê hiện nay, diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thị là 217,22 ha, đạt tỷ lệ 8,88 m2/người, diện tích đất cây xanh toàn thành phố 663,64 ha, tỷ lệ đất cây xanh đô thị đạt 19,02 m2/người.

Hướng tới đô thị “hiện đại, hội nhập sâu, kết nối rộng”

Gần đây, tại nhiều cuộc họp góp ý, các Sở, ngành đề xuất, báo cáo Đề án chiến lược xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên nên ưu tiên xây dựng chính sách thu hút nhân tài, riêng đối với phát triển kinh tế phải theo hướng liên kết mở, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, trên cơ sở liên kết phát huy hiệu quả tổng hợp vùng Tây Nguyên, tham gia và nâng dần vai trò của thành phố trong chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định vị thế của thành phố trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia.

Thành phố Buôn Ma Thuột được kỳ vọng sẽ là trung tâm hội tụ phát triển

Và để đảm bảo Đề án mang tầm chiến lược trong tương lai, tỉnh cần xin chủ trương nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột; đề xuất chủ trương về cơ chế, chính sách thu hút ODA, vốn đầu tư trực tiếp, nguồn vốn vay. Song song đó, tỉnh cần đề nghị Bộ, ngành liên quan đưa thành phố Buôn Ma Thuột vào danh mục dự án nâng cấp đô thị giai đoạn 2017-2020; xem xét đầu tư dự án thuộc nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thực hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột

Tại Hội thảo xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019,  PGS.TS. Trần Đình Thiên đã nhấn mạnh, lợi thế đặc biệt của Đắk Lắk đó là Buôn Ma Thuột được định hướng phát triển trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, sự quan tâm, đầu tư hiện nay vẫn chưa đúng mức, tương xứng với tiềm năng và vị thế của đô thị này. Đô thị trung tâm vùng đó không chỉ là vinh dự cho Buôn Ma Thuột mà quan trọng hơn chức năng làm thủ phủ là tạo cho đô thị này lợi thế phát triển.

Để thực hiện được chức năng là trung tâm của vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột phải trở thành trung tâm liên kết – hội nhập, trung tâm nghiên cứu - phát triển, đổi mới – sáng tạo của vùng, với những sản phẩm thế mạnh đặc sắc. Phát triển Buôn Ma Thuột theo hướng hiện đại, hội nhập sâu, kết nối rộng, phải là chiến lược ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đắk Lắk và là nhiệm vụ trọng điểm của cả vùng cũng như Quốc gia. Có nghĩa là phải thoát khỏi tư duy cục bộ, coi phát triển Buôn Ma Thuột là việc riêng của Đắk Lắk, chủ yếu làm giàu cho Đắk Lắk.

Để giải bài toán tầm nhìn cho  thành phố Buôn Ma Thuột, cần có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của việc phát triển vùng Tây Nguyên để có cách thức xây dựng thành phố này một cách đúng tầm. Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở cho thành phố ngang tầm thủ phủ vùng.

Thông điệp được PGS.TS. Trần Đình Thiên đưa ra phân tích: “Đắk Lắk có thể vươn lên hiện đại thông qua trung tâm hội tụ phát triển. Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm vùng mà còn là trung tâm hội tụ phát triển. Vì hội tụ được nên lan tỏa được.” 

Một góc thành phố Buôn Ma Thuột về đêm

Do đó, trách nhiệm chung của cả vùng và yếu tố liên kết trong quá trình xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk cần xác định những nhiệm vụ ưu tiên, đột phá, nhất là trong thu hút đầu tư.

Tỉnh Đắk Lắk phải cải cách bộ máy công quyền, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, “trải thảm đỏ” đón các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có tầm và có tâm, vừa làm giàu cho doanh nghiệp vừa làm giàu cho tỉnh trên cơ sở phát triển bền vững và bảo tồn, phát huy các giá trị của địa phương. Cùng với đó, phát triển du lịch với trụ cột là “Văn hóa Tây Nguyên, linh hồn Đại ngàn”, kết nối tua tuyến du lịch dọc theo các tỉnh Tây Nguyên và ngang với các tỉnh Duyên hải miền Trung, tạo cấu trúc du lịch rừng – biển đặc sắc.

 

Mục tiêu TP. Buôn Ma Thuột cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2030 trên 13,5%. Cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ 66,62%; công nghiệp và xây dựng 30,38%. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hằng năm trên 12%. Quy mô dân số khoảng 550.000 người.Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch khu vực đô thị đạt 100%.  Tỷ lệ qua đào tạo trên 75% và qua đào tạo nghề trên 55%. Tầm nhìn đến 2045 xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột sẽ trực thuộc Trung ương.  

Tại Quyết định số 286/QĐ-TTg ban hành ngày 09/3/2018 về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và 2030 nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020 và những năm tiếp theo, kinh tế Đắk Lắk đi theo hướng “xanh” (chú trọng môi trường sinh thái), bền vững, khai thác các lợi thế phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế. Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với hạ tầng đồng bộ, đảm nhiệm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, chuyển giao khoa học công nghệ của vùng

 

 

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready