Theo chân kiểm lâm tìm báu vật của rừng Yok Đôn (20/12/2019, 09:02)

          Với hệ sinh thái động - thực vật phong phú, đa dạng, Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) còn sở hữu loài thực vật đặc hữu cực kỳ quý hiếm là trà hoa đỏ (hồng trà). Hiện, các chuyên gia của Vườn đang nỗ lực bảo tồn và nhân giống trà quý này.

          Mất một ngày luồn lách dưới những tán rừng già khu vực chân núi Đôn (nằm trong Vườn Quốc gia Yok Đôn), chúng tôi đành ra về tay trắng vì không thể tìm ra hồng trà. Ông Phạm Tuấn Linh, Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn an ủi: Dưới chân núi Đôn, hồng trà chỉ mọc rải rác nên rất khó tìm. Muốn tận thấy rừng hồng trà quý, phải chịu khó leo lên đỉnh núi Đôn (với độ cao gần 500 mét so với mực nước biển) cùng với các chuyên gia thực vật của Vườn, may ra mới có cơ hội thấy. Câu chuyện về loài hồng trà bắt đầu cuốn hút sự tò mò của chúng tôi!

5 Giờ sáng hôm sau đó, đoàn chúng tôi gồm 5 thành viên bắt đầu chuyến hành trình xuyên rừng để tìm hồng trà. Kiểm lâm viên Mai Văn Hòa - chuyên gia thực vật của Vườn Quốc gia Yok Đôn, không quên mang theo đồ ăn, thức uống cho đoàn; đồng thời, trong balo của ông cũng có đầy đủ dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra, lấy mẫu các loài thực vật mới mang về nghiên cứu. Trên hành trình đến chân núi Đôn, đoàn đã đi qua hàng chục km đường tuần tra độc đạo, thêm vài giờ đồng hồ luồn lách “cắt rừng” qua những tán cây rậm rạp mới đến được điểm dừng đầu tiên. Dù đã gần trưa, nhưng không gian trong rừng luôn xẩm tối, những tán cây quyện vào nhau dày tầng tầng lớp lớp; để lên các điểm tiếp theo trên núi Đôn, mọi người buộc phải đi sát nhau tránh bị lạc.

          “Sắp thấy hồng trà rồi! Lên đến đỉnh núi mọi người tha hồ mà ngắm”- kiểm lâm viên Y Hới Byă hổn hển nói. Tiếng nói khiến không khí âm u bỗng loang ra như chiếc lá rơi xuống mặt hồ tĩnh lặng và cũng là lời khích lệ làm mọi người phát giác háo hức bước tiếp. Như để xóa tan sự sợ hãi của chúng tôi, ông Mai Văn Hòa tiếp lời: Ít có khu vườn quốc gia nào lại đặc biệt như Yok Đôn, khi nơi đây sở hữu ba loại rừng riêng biệt là rừng khộp, rừng thường xanh và bán thường xanh. Không giống như rừng khộp khô khốc, rừng thường xanh quanh năm tươi tốt; dưới tán rừng có hàng nghìn loài động, thực vật phong phú. Núi Đôn quanh năm mây mù che phủ, khí hậu lạnh chính là nơi lý tưởng để hồng trà sinh trưởng.

          Sau hơn 9 giờ đồng hồ luồn sâu vào Vườn Quốc gia Yok Đôn, chúng tôi cũng lên được khu vực đỉnh núi Đôn. Và điều bí mật, trông chờ bao lâu cũng dần lộ diện. Những bông hoa hồng trà đỏ tươi như “e thẹn lấp ló nhìn ra” sau các lùm cây khiến cả đoàn không thể chớp mắt khi ngắm nhìn chúng. Cây hồng trà cao trung bình khoảng 2 m; phiến lá hình bầu dục, có răng cưa mịn hai bên mép và gân phụ 6 - 8 cặp/lá; hoa cô độc ở chóp nhánh, cánh đỏ tươi, nhụy màu vàng nhạt giống nhụy sen hồng, mùi thơm ngát. Đặc biệt, mỗi năm hồng trà chỉ ra hoa đúng một mùa là vào dịp cuối thu; quả hồng trà màu xám trắng, đường kính 4 - 5 cm, đầu có mũi nhọn dài… Đây là loài thực vật đặc hữu, không những có giá trị về nghiên cứu khoa học mà còn có giá trị về mặt y dược, lần đầu tiên và duy nhất (đến nay) được tìm thấy tại Việt Nam.

Ông Hòa chia sẻ: Hồng trà xuất hiện trên đỉnh núi Đôn từ bao giờ không ai rõ nhưng mãi đến khi tiến sĩ Ngô Tiến Dũng, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn, vô tình phát hiện trong quá trình thực hiện luận án tiến sĩ vào năm 2004, thế giới mới biết nhiều hơn về loài trà này. Sau khi giám đốc Vườn Quốc gia công bố hồng trà trên các báo chí, một đoàn nghiên cứu của Nhật Bản đã biết và đến để tìm hiểu. Sau nhiều lần đến nghiên cứu tại Yok Đôn, đoàn người Nhật đã đưa ra kết luận đáng tự hào là hồng trà Yok Đôn là loài đặc hữu, chưa phát hiện ở nơi nào trên thế giới có được. Ngay lập tức, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã lên kế hoạch để bảo tồn nguồn hồng trà nhằm giữ nguồn gen quý hiếm.

          Không dám ở lại lâu trên núi vì không khí khá lạnh, cộng với việc sợ đánh động đến các loài thú dữ nơi đây nên cả đoàn ra về. Trước khi đi xuống, ông Hòa không quên cắt vài cành trà rồi xếp gọn vào túi. Trên đường về, đoàn có nghỉ chân tại trạm kiểm lâm Đắk Na, đồng thời, pha một ấm trà theo hình thức truyền thống để thưởng thức. Lá trà sau khi trụng nước sôi chuyển sang màu vàng nhạt, nước trong, uống vào thơm dịu, ngọt hậu và rất khó quên… Trong câu chuyện “trà dư tửu hậu” giữa rừng, ông Hòa kể: Các chuyên gia của Vườn đã nhiều lần thử mang một số cây con hoặc chiết cành hồng trà để về trồng nhưng đều thất bại. Trong chuyến đi này, ông cũng cắt một vài cành đem về Vườn để phối hợp với một số chuyên gia của Đại học Đà Lạt nghiên cứu kỹ thuật chiết, giâm cành. Nếu thành công, hy vọng có thể nhân giống rộng rãi loài trà này ở nhiều nơi.

          Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên (chưa kể diện tích vùng đệm). Đến với Vườn Quốc gia Yok Đôn, khách du lịch có thể khám phá nơi cư trú của 62 loài động vật có vú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 464 loài thực vật. Trong số 56 loài động vật hiếm thống kê được ở Đông Dương, thì 38 loài có ở Yok Đôn.

 “Một trong những điều đáng mừng là công tác bảo tồn rừng hồng trà trên đỉnh núi Đôn đang được thực hiện rất tốt. Sở dĩ rừng hồng trà còn gần như nguyên vẹn bởi núi Đôn mọc sừng sững giữa bình nguyên Vườn Quốc gia Yok Đôn. Nơi đây cũng là khu rừng nguyên sinh nên không có sự tác động xấu từ con người...”

- ông Phạm Tuấn Linh, Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Lê Thành

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready