Đắk Lắk nỗ lực kết nối cung cầu, giải quyết việc làm cho người lao động (18/11/2021, 13:21)

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động giải quyết việc làm tại chỗ và xây dựng phương án hỗ trợ để người lao động an tâm quay trở lại làm việc ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Địa phương chủ động khảo sát

Theo báo cáo đánh giá của Sở LĐTB&XH, đợt dịch thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến số lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh, có nhiều người mất việc làm, không có thu nhập buộc họ phải trở về nơi thường trú. Thời gian qua có hàng chục nghìn lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải trở về địa phương, hiện tại họ trở thành lao động tự do, làm các công việc tự do, công việc theo thời vụ.

Người dân đến tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk

Anh N.H.N (32 tuổi, TP.Buôn Ma Thuột) là kỹ sư tin học tại TPHCM - tâm sự: Khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, tôi dẫn vợ con về Đắk Lắk sinh sống. Ban đầu, tôi tính sẽ kiếm công việc ở quê nhà, tuy nhiên tôi không tìm thấy việc làm phù hợp và nhận thấy mức lương được trả khá thấp. Do đó, tôi lựa chọn quay lại TPHCM.

Ông Lê Nam Cao - Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar - nêu quan điểm: Việc thống kê đầy đủ số lao động hồi hương có nguyện vọng trở lại khu vực phía Nam làm việc không phải dễ. Bởi, thời gian qua, đã có nhiều công ty, nhà máy ở TPHCM, Bình Dương chủ động liên hệ với người lao động mời họ trở vào miền Nam làm việc lại và đã có một số lượng khá lớn di chuyển đi. Số người còn lại vẫn đang chần chừ, chưa dám quyết định đi hay ở lại quê nhà làm việc. Ngoài ra, địa phương đang phải rất vất vả vừa chống dịch COVID-19, vừa phải cử người đi cơ sở tìm hiểu, nắm danh sách số người muốn đi hay ở lại để báo cáo chi tiết lên tỉnh.

Còn theo ông Nay Y Phú - Chủ tịch UBND huyện Lắk: Từ đầu tháng 10 đến nay có khoảng 3.000 lao động làm việc ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam hồi hương. Đơn vị đã chỉ đạo cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội lên danh sách người có nguyện vọng trở vào miền Nam làm việc. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng nên chính quyền phải cắt cử thêm người xử lý. Tuy nhiên, huyện sẽ sớm báo cáo danh sách lên tỉnh trước mốc thời gian quy định.

Phát huy vai trò “Nhạc trưởng”

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk: Từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, có khoảng 130.000 công dân tạm trú, làm việc ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam hồi hương trở về địa phương. Trong đó, một bộ phận lớn công dân đang thất nghiệp, số còn lại đang chờ dịch tạm lắng để trở vào miền Nam.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk thông tin, vừa có văn bản trình UBND tỉnh về kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trở lại các tỉnh, thành phía Nam làm việc. Theo khảo sát, có trên 40.000 lao động cần sự hỗ trợ. Trong đó, có khoảng 22.000 người có nhu cầu quay trở về các tỉnh, thành phía Nam để làm việc; 11.000 người có nhu cầu xin việc tại Đắk Lắk và khoảng 400 người có nhu cầu xuất khẩu lao động.

Lực lượng y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 để đưa công dân đang làm việc ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam trở về quê. Ảnh: T.X

Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk - cho hay, do một số doanh nghiệp ở tỉnh, thành phía Nam hoạt động không đồng nhất, có nơi mới hoạt động 30 - 40% công suất hoặc 70 đến 80% và thời gian không đồng nhất nên có việc người lao động sẽ di chuyển theo từng đợt. Hiện, tỉnh Bình Dương đã đặt vấn đề với Đắk Lắk về việc đưa công dân quay trở lại làm việc. Riêng đối với số lao động có nhu cầu ở lại Đắk Lắk làm việc, sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh rà soát nhu cầu của người lao động lẫn các đơn vị tuyển dụng để hỗ trợ, kết nối.

“Đối với số công dân có nhu cầu quay lại nơi làm việc cũ, sở đã kiến nghị UBND tỉnh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 và test nhanh cho những trường hợp đủ điều kiện. Riêng việc đưa đón công nhân thì các công ty tuyển dụng sẽ bố trí phương tiện. Để công tác hỗ trợ được hiệu quả, sở tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác làm việc với các tỉnh, thành khu vực phía Nam để có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tỉnh Đắk Lắk trở lại làm việc, tránh tình trạng tự phát” - ông Thuân cho biết. 

Ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Lắk - cho rằng: Trong tháng 10 vừa qua, có hơn 1.300 lao động đăng ký tìm việc làm mới thông qua Trung tâm. Nhu cầu làm việc trong tỉnh khoảng 1.000 người, nhu cầu làm việc ngoại tỉnh hơn 300 người. Theo thống kê sơ bộ, nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp tại địa phương là hơn 8.000 chủ yếu là các lĩnh vực sản xuất bao bì, giày da, may mặc... Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong tỉnh chưa có cơ chế để thu hút lao động có kinh nghiệm đã làm việc ở các công ty lớn, khu công nghiệp của các tỉnh phía Nam về làm việc tại đơn vị mình, nên việc kết nối lao động của đơn vị gặp không ít khó khăn.

“Hiện, chúng tôi đang kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM... để hỗ trợ lao động địa phương có nguyện vọng trở lại đó làm việc. Kể cả những người ở Đắk Lắk muốn về lại miền Nam hay ở lại gắn bó với địa phương nếu có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới đơn vị đều hỗ trợ không thu phí vì đây là chức năng, nhiệm vụ của chúng tôi” - ông Lý nhấn mạnh.

Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ cho người lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh nhấn mạnh, lực lượng lao động của tỉnh dồi dào, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị. Tỉnh đang lên kế hoạch hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo 2 hướng giải quyết việc làm trước mắt và xây dựng kế hoạch giữ chân người lao động gắn bó với tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tiêm vắc-xin cho toàn bộ người lao động để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc; đề nghị Trung ương hỗ trợ địa phương trong việc kết nối thông tin thị trường lao động trên phạm vi toàn quốc, để người lao động biết được các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, từ đó tìm được việc làm phù hợp.

UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 11220/UBND-KGVX sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội động phối hợp với Sở, ngành, Công an tỉnh cập nhật xác minh thông tin đối tượng được hỗ trợ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư hỗ trợ đúng đối tượng tránh trùng lắp và trực lợi chính sách.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt thực hiện tuyên truyền đến cấp xã, phường, thị trấn, thôn,buôn về việc giáo dục pháp luật về khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong cơ quan, đơn vị và đến từng hộ gia đình, người dân.

 

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready