Đắk Lắk tập trung giải quyết điểm nghẽn về cơ chế, hạ tầng để thu hút đầu tư (04/05/2024, 15:23)

Năm 2024, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu sở, ngành nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào tỉnh theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, mỗi địa phương phải xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất, vướng quy hoạch góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh.

Mỗi huyện thu hút 1 dự án

Theo đánh giá Bộ KHĐT, đến tháng 12/2023, Đắk Lắk thu hút được 61 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm cả cấp mới và tăng vốn, xếp thứ nhất trong vùng Tây Nguyên và thứ 4 tại khu vực duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên, chiếm gần 10% vốn FDI đầu tư đăng ký toàn khu vực năm 2023. Đắk Lắk là địa phương có nhiều  nỗ lực đổi mới trong công tác XTĐT.  Đây là kết quả đáng khích lệ về thu hút đầu tư năm 2023 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia và khu vực còn nhiều khó khăn.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và Sở, ngành thăm Công ty cổ phần thép ASEAN- Khu Công nghiệp Hòa Phú

Tuy nhiên, hiện nay các nhà đầu tư vào địa phương còn nhỏ lẻ, chưa có nhà đầu tư tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp phép, việc quy hoạch còn chồng chéo, thiếu quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường còn hư hỏng chưa kết nối giao thông đồng bộ trong tỉnh cũng như liên vùng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh và kêu gọi đầu tư.

Trên cơ sở nhận diện tồn tại, năm 2024 UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Buôn Hồ, TP Buôn Ma Thuột nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND các huyện, thị xã Buôn Hồ, TP Buôn Ma Thuột giữ vai trò trung tâm trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường thu hút đầu tư vào địa phương mình.

Các địa phương cần tích cực, chủ động phối hợp với Sở KH-ĐT, các sở, ngành chuyên môn để đề xuất danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện. Mỗi địa phương phấn đấu thu hút tối thiểu 1-2 dự án đầu tư/năm.

Đồng thời, triển khai công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ đó tập trung thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; lập, phê duyệt kịp thời phương án sử dụng đất đối với phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương quản lý...

Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư đối thoại với doanh nghiệp định kỳ đầu năm 2024.

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư. Đồng thời, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu và thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Tỉnh cũng yêu cầu các sở liên quan tích cực tham gia cùng Sở KH-ĐT trong việc đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư; chủ động tìm hiểu, kết nối các nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh; tổ chức thẩm định hoặc cho ý kiến về các dự án đầu tư, đảm bảo chất lượng và rút ngắn thời gian để sớm triển khai thực hiện đầu tư.

Đề cập đến giải pháp để tạo chuyển biến trong công tác thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng cần làm tốt công tác quy hoạch. Đây là điều kiện tiên quyết, giúp xác định chuẩn xác vị trí và danh mục cần kêu gọi đầu tư. Tiếp đến, tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng, giảm nhẹ chi phí logistic, nhất là đối với những dự án cho lĩnh vực nông nghiệp và chế biến chuyên sâu. Một giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngoài ra, Đắk Lắk cũng kiến nghị Trung ương giải quyết một số vướng mắc liên quan đến các bộ luật, có nhiều nội dung chưa hợp lý, chồng chéo...

Xác định làm tốt quy hoạch tạo đà thu hút đầu tư, ông Đặng Gia Duẩn- Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho hay: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Buôn Hồ vừa được phê duyệt, thị xã Buôn Hồ sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để quản lý và xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị thị xã Buôn Hồ, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển thị xã; tạo động lực, cơ hội cho thị xã Buôn Hồ khơi dậy và phát huy tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Liên kết quảng bá tiềm năng và hoàn thiện hạ tầng

Ông Võ NgọcTuyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian gần đây, những nhà đầu tư lớn có dấu hiệu "chững lại" khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh do vướng cơ chế, chính sách, đặc biệt là về quy hoạch. Để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời tổng hợp, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất. Sở đã tổ chức đoàn khảo sát đánh giá lại danh mục thu hút đầu tư của các địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực trọng điểm có tính khả thi cao.

Thị xã Buôn Hồ công bố điều chỉnh quy hoạch chung phục vụ  xúc tiến, thu hút đầu tư

Để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh Duyên hải Miền trung đã thống nhất Biên bản thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh công tác tham mưu đẩy mạnh kết nối, liên kết vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung; đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và từng Vùng.

Cụ thể, tăng cường tham mưu, đề xuất tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, mang tính chất liên tỉnh, liên vùng; tích cực tham mưu hỗ trợ, lồng ghép vào hội chợ triển lãm, sự kiện, lễ hội của các địa phương để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiềm năng thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, qua đó kêu gọi hợp tác đầu tư với các địa phương.

Các đơn vị cũng thống nhất hợp tác đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương quan tâm, bố trí vốn đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm kết nối khu vực Tây Nguyên với Duyên hải Miền Trung như các tuyến Đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây; đường cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y; đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – Lệ Thanh; đường cao tốc Phú Yên – Đắk Lắk; đường cao tốc Nha Trang – Liên Khương – Dầu Giây; đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Liên Khương...; hoàn thiện, nâng cấp và bổ sung các tuyến quốc lộ chính yếu kết nối liên vùng và nội vùng …

Trao đổi về định hướng cải thiện thu hút đầu tư cho tỉnh Đắk Lắk, ông Lê Minh Dương- Giám đốc Trung tâm XTĐT Miền Trung – Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT cho rằng, địa phương cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác xúc tiến, quản lý đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng cần được đẩy nhanh tiến độ để các dự án đã được cấp phép thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Hoàn thiện, phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, mang tính kết nối cao giữa các địa phương trong tỉnh cũng như liên vùng để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Hoà Phú

Đặc biệt vừa qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây sẽ là cơ hội và động lực để địa phương chủ động xây dựng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường thu hút đầu tư, theo đó tỉnh cần chú trọng lựa chọn, thu hút một số nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm để làm động lực lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Đối với kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2024, UBND tỉnh các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện có hiệu quả 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây: Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính...- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready