Đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới (18/06/2020, 16:08)

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay. Pháp lệnh chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật, dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng. Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới đều thống nhất kiến nghị, báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.

Ảnh minh họa

Hơn 60 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, hiện nay các nội dung trên chưa được quy định trong Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật liên quan, do đó chưa có cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Vì vậy, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam được nhận định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu), những năm qua, bộ đội biên phòng đã góp công lớn cùng chính quyền địa phương, công an và các lực lượng khác gìn giữ an ninh trật tự, canh giữ biên giới đất liền, biên giới trên biển hàng giờ, hàng ngày, hàng đêm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng biên phòng đã cùng các tỉnh, thành phố kiểm soát, phòng, chống dịch. Quá trình xây dựng luật đã được lấy ý kiến rất kỹ. Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố đều tổ chức hội thảo và có ý kiến góp ý. Các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cũng tổ chức lấy ý kiến về nội dung này. Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam sẽ góp phần ghi nhận địa vị pháp lý chính danh của bộ đội biên phòng.

Đề nghị bổ sung quy định đối với hành vi nghiêm cấm phá hoại cột mốc biên giới, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) lý giải: Trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Biên giới quốc gia hiện hành thì xương sống, cốt lõi của luật là xây dựng, bảo vệ, quản lý biên giới. Đường biên giới rất quan trọng, trong đó có cột mốc thể hiện chủ quyền quốc gia. Do đó, dự thảo Luật cần thể hiện được mấu chốt vấn đề này. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng đề nghị sửa tên gọi của điều 5 trong dự thảo Luật thành "Nhiệm vụ công tác biên phòng". 

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, một số đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Ban soạn thảo làm rõ thế trận về an ninh trong dự thảo luật. Đại biểu Thào Xuân Sùng (Hà Giang) nêu rõ, trong tất cả các khu vực phòng thủ ở nước ta, sự kết hợp giữa các thế trận tại địa bàn biên giới là đầy đủ nhất. "Chúng ta có thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân. Tuy nhiên dự thảo Luật chưa làm rõ vấn đề này", đại biểu nêu quan điểm; đồng thời đề xuất cần chỉnh sửa một số từ ngữ trong dự thảo Luật để nội dung thể hiện được vai trò đặc biệt của bộ đội biên phòng.

Kim Bảo tổng hợp (Quochoi.vn)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready