Đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (11/02/2022, 16:39)

Sáng 11/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng, lãnh đạo Sở, ngành.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ NN-PTNT- Ảnh : TTXVN

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2021, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển.

Cụ thể, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã của 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy tổng số 457 nghìn con gia cầm (chiếm 0,09% tổng đàn gia cầm) với các chủng virus cúm A/H5N6, A/H5N1, riêng chủng virus cúm A/H5N8 (xuất hiện tại Việt Nam tháng 6-2021 ở 15 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 47.000n con gia cầm). Từ đầu năm 2022 đến nay, phát sinh 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Quế Mỹ và xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam với tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 4.000 con. Về dịch lở mồm long móng, năm 2021, bệnh xảy ra tại 89 xã của 18 tỉnh, thành phố với số gia súc mắc bệnh 3.407 con, số gia súc tiêu hủy là 349 con, giảm 2,3 lần số ổ dịch, số gia súc mắc bệnh giảm 2,4 lần so với năm 2020. Hiện cả nước hiện không còn ổ dịch lở mồm long móng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh chụp màn hình

Về dịch tả lợn châu Phi, năm 2021 đã xảy ra tại 3.154 xã của của 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 288.668 con lợn (cao gấp 3,2 lần so với năm 2020). Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 321 xã của 31 địa phương, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn. Riêng dịch tai xanh trên lợn đã cơ bản được kiểm soát tốt, không báo cáo về ổ dịch tai xanh mới phát sinh tại các địa phương...

Các đại biểu tham dự điểm cầu Đắk Lắk

Về dịch bệnh thủy sản, năm 2021, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản vẫn tiếp tục đạt được kết quả tốt, các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tiếp tục được kiểm soát, đặc biệt không để các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập vào Việt Nam. Diện nuôi trồng thủy sản bị nhiễm bệnh khoảng 5.608ha, giảm 33 về diện tích so với năm 2020. Hiện cả nước có khoảng 3.700 cơ sở, trang trại chăn nuôi và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đặc biệt nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn đã xây dựng thành cơ sở, trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Để bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Long-Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai việc tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm (trừ  bệnh dịch tả lợn châu Phi là chưa có vắc xin), tăng cường giám sát các ổ dịch, trong đó có các dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời có các giải pháp ứng phó, xử lý hữu hiệu. Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh xây dựng các cơ sở, trang trại chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm đảm bảo chất lượng và nguồn cung thực phẩm trong nước cũng như xuất khẩu.

Tại Hội nghị, các địa phương đã báo cáo tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn, làm rõ một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đề xuất các giải pháp hạn chế tối đa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, trong năm 2022, Cục Thú y và các địa phương quan tâm tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; bám sát, kịp thời cảnh báo và xử lý cácổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; tập trung vào phòng chống dịch bệnh, quản lý thuốc và vaccine, xây dựng nghiên cứu và phát triển vaccine; Rà soát tiêm phòng trên một số loại dịch bệnh; tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; đảm bảo yêu cầu các điều kiện để sản xuất mới, tăng cường xúc tiến thương mại.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready