“Khát vọng Dam Săn” khát vọng đại đoàn kết, phát triển (31/01/2022, 06:34)

Với tình yêu nồng nàn, say đắm với vùng đất và con người Tây Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã hoàn thành và công diễn tác phẩm ca kịch “Khát vọng Dam Săn” dựa trên nền tảng sử thi “Bài ca chàng Dam Săn” của dân tộc Ê đê ở Tây Nguyên. Có thể nói “Khát vọng Dam Săn” chính là khát vọng về tinh thần đại đoàn kết, vì cộng đồng của các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, giàu đẹp hơn.

Đắk Lắk được biết đến với những sử thi hùng tráng về lịch sử phát triển của xã hội Tây Nguyên, trong đó có Dam Săn. Sử thi Dam Săn do nhà dân tộc học người Pháp Sabatier sưu tầm ở Đắk Lắk và công bố bằng song ngữ Êđê – Pháp tại Paris năm 1927, được các nhà dân tộc học và nghiên cứu văn hóa dân gian trên thế giới đánh giá rất cao.

Trong nền văn học Việt Nam, Sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Êđê Tây Nguyên thời cổ đại; giúp người đọc được đến với quá khứ hào hùng trong những buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, được gặp gỡ những tù trưởng anh hùng, mà nổi bật nhất là người anh hùng Dam Săn, đã cùng buôn làng chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc.

Một cảnh trong tác phẩm Ca kịch "Khát vọng Dam Săn"

Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ “Khát vọng Dam Săn” được xây dựng, khắc họa từ Trường ca Dam Săn nổi tiếng của người Ê đê ở Tây Nguyên. Hình tượng chàng Dam Săn thể hiện khát vọng xây dựng, bảo vệ cộng đồng trước mọi thế lực siêu nhiên đe dọa. Chàng đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời và đem lại ánh sáng, sống cho buôn làng, bộ tộc hùng mạnh của mình. Vở ca kịch là khúc giao hòa tuyệt đẹp giữa con người với con người; giữa con người với thiên nhiên hùng vĩ, bao dung và cũng đầy bí ẩn.

Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” gồm 5 chương: chương 1 Dam Săn và H’Nhi; chương 2 xử tội Mtao Msei; chương 3 Buôn sang trông cậy; chương 4 nơi miền sáng; chương 5 mặt trời lên trên cao nguyên bao la. Sau 34 năm ấp ủ, sáng tác, đã hai lần tưởng như dừng lại nhưng với tình yêu, duyên phận với Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường, ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã được hoàn thành, là món quà ý nghĩa mà nhạc sĩ dành cho 49 dân tộc anh em ở Đắk Lắk.

Đam Săn gặp Nữ thần mặt trời (Cảnh trong vở Ca kịch “Khát vọng Dam Săn”)

Là một người con của dân tộc Êđê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđơh xúc động chia sẻ, Sử thi Dam Săn từ lâu đã đi vào lòng người, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” sáng tạo từ cảm hứng về sử thi Dam Săn sẽ góp phần phục dựng, trình diễn lịch sử văn hóa của người Êđê qua sân khấu âm nhạc độc đáo. Sản phẩm được kỳ vọng trở thành văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo của tỉnh và là một trong những tác phẩm âm nhạc lớn của nền âm nhạc Việt Nam.

Theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, thời gian tới tỉnh đã có kế hoạch tổ chức biểu diễn Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” phục vụ quân và dân tỉnh nhà, thiết thực góp phần thực hiện sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trên quê hương sử thi Dam Săn. Đồng thời sẽ có các giải pháp cụ thể để tác phẩm trở thành một sản phẩm du lịch của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Bá Lục

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready