Bộ Công Thương cần tập trung cao cho Quy hoạch điện VIII, bảo đảm hiệu quả nhất (10/01/2022, 08:46)

Sáng 9/1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà và lãnh đạo Sở, ngành.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng của toàn ngành.

Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Hội nghị- Ảnh : BCT

Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, IIP cả năm 2021 tăng 4,8% so với năm 2020. Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị- Ảnh : BCT

Trong năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước.

Đặc biệt, tại các địa phương ngành công nghiệp đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch: có 48 địa phương có chỉ số IIP tăng, chỉ có 15 địa phương có chỉ số IIP giảm so với năm 2020. Trong đó, tăng cao nhất các tỉnh gồm Ninh Thuận (24,6%), Đắk Lắk (23,8%), Gia Lai (20,5%), Hải Phòng (18,2%), Bình Phước (17,8%)....

Cũng trong năm qua, công nghiệp hỗ trợ được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, cơ khí … từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đã có thêm những sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như: Sơ mi rơ mooc (Thaco - Trường Hải), máy biến áp 220 kV-250MVA…

Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham luận tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu năm 2022, Bộ Công Thương tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ, ngành công thương cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản…

Thứ ba, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các Bộ ngành đại phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, ngành Công Thương cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật (các Luật, các Nghị định, Thông tư, các quy định của ngành) điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready