Bộ Thông tin truyền thông triển khai nhiệm vụ năm 2024 (29/12/2023, 15:05)

Ngày 29/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự tại điểm cầu Trung ương.

Đồng chí H’Yim Kđoh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Các đại biểu tham dự cuộc họp điểm cầu Đắk Lắk

Năm 2023, đóng góp vào GDP của ngành thông tin truyền thông ước đạt gần 900.000 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Công tác chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ biểu quyết thông qua cao. Việt Nam thăng 1 hạng theo xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính năm 2023. Hạ tầng số cơ bản được phổ cập, đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8%. Tỷ lệ sử dụng smartphone tăng lên 84,4%. Tỷ lệ sử dụng IPv6 xếp hạng thứ 9 toàn cầu. Năm 2023, ngành thông tin truyền thông cũng có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận để bảo vệ người dân trên không gian mạng, lĩnh vực báo chí truyền thông xuất bản đạt được nhiều thành quả tích cực.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu

Lĩnh vực an toàn thông tin mạng tiếp tục là điểm sáng khi người dân đã được bảo vệ cơ bản trên không gian mạng. Đặc biệt, năm 2023, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được ưu tiên thực hiện. Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ biểu quyết cao.

Báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội. Đồng thời góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam.

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra chủ đề: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, vừa giúp tăng trưởng GPD, vừa tăng năng suất lao động năm 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Hạ tầng số của Việt Nam dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ngoài ra, năm 2024 sẽ là năm ứng dụng mạnh mẽ AI, trợ lý ảo. Bộ trưởng cho rằng, với 120.000 văn bản, thể chế trong hệ thống pháp luật đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm.

"Vì vậy, lời giải duy nhất hiện nay là hãy để AI xử lý số lớn, con người xử lý số nhỏ", Bộ trưởng đưa ra giải pháp.

"Số nhỏ cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Số lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm và có xu thế thoái thác. Và hiện nay AI đã có thể làm thay được, lại làm tốt hơn rất nhiều", Bộ trưởng nói.

Tại hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến, tham luận liên quan đến các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, chuyển đổi số quốc gia, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; an toàn thông tin mạng; báo chí, truyền thông và xuất bản, in, phát hành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ thông tin và Truyền thông; các bộ, ngành liên quan, các địa phương trong thời gian tới cần làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Đi tắt đón đầu trong chuyển đổi số, rút ngắn khoảng cách chuyển đổi số so với thế giới; phấn đấu kinh tế số năm sau cao hơn năm trước; quản lý tốt công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Làm tốt công tác xây dựng thể chế, có chính sách đặc thù theo từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là việc sửa đổi quy định về cơ chế tự chủ tài chính trong các cơ quan báo chí....

Phó Thủ tướng cũng cho biết, một trong những rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là thể chế, chính sách. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông ngoài việc xây dựng được thông tư, nghị định, sửa đổi các nghị định cũ không còn hợp lý, thì các nghị định, quy định mới, cần phải làm nhanh, khẩn trương, và phải chuẩn mực.

"Chuyển đổi số là một lĩnh vực rất đặc biệt, nên cần nhiều cơ chế đặc thù. Nếu không có cơ chế đặc thù, không thể giải quyết được vấn đề", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready