Hội thảo đánh giá hiện trạng và nhu cầu thích ứng, an sinh xã hội trong ứng phó với hạn hán, khan hiếm nước tại tỉnh Đắk Lắk (17/09/2024, 15:30)

Sáng 17/9,  tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Khoa học tài nguyên nước- Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức Hội thảo đánh giá hiện trạng và nhu cầu thích ứng, an sinh xã hội trong ứng phó với hạn hán, khan hiếm nước tại tỉnh Đắk Lắk.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Dương Hồng Sơn Viện trưởng, Viện Khoa học tài nguyên nước cho biết, Hội thảo nằm trong khuôn khổ nghiên cứu “Tăng cường khả năng phục hồi ở Việt Nam - Vai trò của chính sách an sinh xã hội trong ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và khan hiếm nước”. Nghiên cứu này do Tổ chức Lao động Quốc tế tài trợ và Viện Khoa học tài nguyên nước thực hiện từ tháng 7 đến tháng 12/2014, nhằm đánh giá tác động của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và khan hiếm nước đối với đời sống và sinh kế của người dân tại bốn tỉnh: Đắk Lắk, Kon Tum, Bến Tre, Trà Vinh, đồng thời đề xuất các giải pháp chính sách nhằm nâng cao khả năng ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương này.

Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo

Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và khan hiếm nước. Những tác động này ảnh hưởng không nhỏ đến các khu vực dễ bị tổn thương như Tây Nguyên và Đồng bằng sông Mê Kông. Dự báo đến năm 2050 , hai khu vực này sẽ chịu tình trạng căng thẳng nước nghiêm trọng vào mùa khô, gây ra nhiều hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp, sinh kế của người dân và sinh hoạt. Đặc biệt, người nghèo, phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là nhóm dễ bị tổn thương nhất, phải đối mặt với nhiều tác động nặng nề do giảm nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp, thiếu nước sinh hoạt và suy giảm sức khỏe.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Cũng theo PGS. TS. Dương Hồng Sơn, nghiên cứu này của Viện Khoa học tài nguyên nước được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về việc tìm ra các giải pháp toàn diện để đối phó với tình trạng khan hiếm nước. Đặc biệt, chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chính sách an sinh xã hội trong việc hỗ trợ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Các chương trình an sinh xã hội như trợ cấp tiền mặt, bảo hiểm và xây dựng các công trình công cộng, sẽ giúp họ giảm thiểu thiệt hại và thích ứng tốt hơn với các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Theo thông tin hội thảo, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, tình trạng hạn hán, khan hiếm nước đã tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, hàng chục nghìn héc-ta cây trồng bị ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đơn cử như trong 2 năm trở lại đây, hạn hán đã ảnh hưởng đến hơn 27 nghìn ha cây trồng, thiệt hại ước tính 165 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất tại các huyện Krông Buk, Krông Bông, Ea Hleo, Buôn Đôn và Lắk. Tại thời điểm cao điểm nhất của mùa khô năm nay (cuối tháng 4/2024), có trên 4.100 hộ dân trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng do thiếu nước.

Để ứng phó với hạn hán, khan hiếm nước, tỉnh Đắk Lắk đã có các chính sách phòng chống tác động cũng như giảm thiểu và khắc phục hậu quả của hạn hán. Tuy nhiên, các chính sách này mới chỉ mang tính ngắn hạn, tạm thời, chưa đi sâu giải quyết được những vấn đề cốt lõi mà hạn hán, khan hiếm nước gây ra.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ thực trạng hạn hán, khan hiếm nước đã tác động đến sinh kế và các chính sách ứng phó tại địa phương.

Theo ông Huỳnh Văn Đại, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Ea Hleo, hạn hán đang ngày càng khắc nghiệt và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đe dọa trực tiếp đến tính bền vững trong hoạt động sản xuất tại địa phương.

Có những hồ từ xưa giờ chưa bao giờ cạn thì mùa khô năm nay đã trơ đáy, có những hồ chứa nước chưa bao giờ thiếu nước nhưng năm nay phải vét từng giọt nước tưới cho cây trồng. Mùa khô kéo dài như vậy nhưng đến mùa mưa thì mưa liên tục, mưa trong thời gian ngắn khiến độ thẩm thấu của đất không giữ lại nước nhiều nên vấn đề thiệt hại về nông nghiệp là rất lớn”. - ông Huỳnh Văn Đại nói.

Đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp mang tính lâu dài, như tăng cường hoàn thiện đổi mới cơ chế chính sách, cụ thể hóa các chính sách mới ban hành; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông; xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo thiên tai,..

Bà Nguyễn Tú Anh, Trưởng phòng Kinh tế và Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học tài nguyên nước cho rằng, những đề xuất này là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện có, đáp ứng tốt hơn trong việc hỗ trợ người dân thức ứng, ứng phó với tình trạng hạn hán, khan hiếm nước ngày càng gay gắt hiện nay.

Thu thập những thông tin mới để chúng tôi tiếp tục về chỉnh sửa các báo cáo, đề xuất chính sách làm sao cho phù hợp, tăng cường khả năng của các nhóm đối tượng dễ tổn thương để ứng phó với hạn hán hiệu quả. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng hiểu được mong muốn của người dân từ đó điều chỉnh chính sách hiệu quả, phù hợp hơn” - Bà Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Kim Bảo

Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready