Thông cáo báo chí về tuyên truyền về xếp hạng di tích tích lịch sử Quốc gia (01/02/2024, 13:30)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk thông tin về việc xếp hạng di tích lịch sử quốc gia: Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, xã Cư Drăng và xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai; Di tích lịch sử Các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) các xã: Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk để các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp tuyên truyền về các di tích nói trên.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 4241/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2023 về việc xếp hạng di tích quốc gia Di tích lịch sử Các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) các xã: Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk; Quyết định số 4242/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya thuộc xã Chư Drăng và xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai;

Hội thảo Khoanh vùng Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jũ – Dliê Ya thuộc xã Chư Drăng và xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng  này, trong phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

* Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, xã Cư Drăng và xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai

Cư Jŭ - Dliê Ya là vùng núi non hiểm trở với nhiều đỉnh núi, cao nhất là đỉnh Cư Jŭ (cao 1.729m so với mực nước biển). Với địa thế là vùng núi non hiểm trở và có tầm quan trọng chiến lược nên từ đầu năm 1948 nơi đây đã được Ủy ban Kháng chiến tỉnh Đắk Lắk chọn xây dựng thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya là căn cứ đầu não gắn liền với sự phát triển của cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả vùng Tây Nguyên nói chung, ghi dấu nhiều chiến công hiển hách và khẳng định sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trong kháng chiến. Tại đây đã diễn ra 03 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (Đại hội I, 8/1960; Đại hội II, 8/1963; Đại hội VI, 9/1973) để họp bàn, đề ra những chính sách và sự chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975, mở màn thắng lợi cho Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 (ngày 12/8/1991) về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nên hiện nay các điểm di tích của Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya đều thuộc địa phận hành chính các xã Uar và xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Với tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử to lớn đối với thắng lợi của cả vùng Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung, ngày 08/9/2023 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Gia Lai đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học và Hội nghị khoanh vùng bảo vệ Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, lập hồ sơ khoa học, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia. Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4242/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya thuộc xã Chư Drăng và xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đã đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai trong việc phát huy giá trị lịch sử cách mạng của địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

* Di tích lịch sử Các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) các xã: Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk

Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) xã Cư Pui, Yang Mao, Hòa Phong, huyện Krông Bông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia tại Quyết định số 822/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2017, nằm ở sườn núi Čư Yang Sin, huyện Krông Bông (H9) là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Đắk Lắk từ năm 1965 đến năm 1975, đóng vai trò là trung tâm đầu não của tỉnh, đã đi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk như một dấu son chói lọi, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tỉnh ủy Đắk Lắk đối với các lực lượng vũ trang nhân dân các dân tộc Đắk Lắk anh hùng.

Để bổ sung các điểm đúng với thực tế lịch sử của di tích, ngày 06/4/2020 Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 2900/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975), huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2020 - 2025, Các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành khảo sát, xây dựng hồ sơ khoa học di tích trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung các địa điểm đứng chân của các cơ quan, ban, ngành còn lại thuộc di tích Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975).

Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 4241/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích quốc gia: Di tích lịch sử Các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) các xã: Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) gồm: Trại An điều dưỡng; Trường Đảng tỉnh (xã Yang Mao); Bệnh xá B2 (xã Hòa Lễ). Bộ phận Cơ yếu; Bộ phận Điện đài; Khu nhà bếp và nhà ăn; Cầu vượt suối; Đập bắt cá; Kho lương thực; Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ban Kiểm tra Đảng; Ban Dân vận; Ban Mặt trận; Trường Nội trú của Tiểu ban Giáo dục; Ban Hành lang; Trạm liên lạc tỉnh (T50); Tỉnh đội; Ban Quân y; Kho vũ khí, đạn dược; Đại đội 314 hỏa lực (C314) (xã Hòa Phong). Tiểu ban Huấn học; Tiểu ban Giáo dục; Tiểu ban Tuyên truyền; Ban Kinh tài; Tiểu ban Tài chính; Tiểu ban Thương nghiệp - Mậu dịch; Tiểu ban Lương thực; Tiểu ban Ngân tín; Tiểu ban Sản xuất; Giao thông vận tải; Xưởng dược; Trường Y tế; Ban Binh - Địch vận; Ban An ninh (xã Cư Pui). Khu vực tưởng niệm 12 liệt sĩ của Tiểu ban Tuyên truyền; Ban Dân y; Bệnh xá Dân y; Ban Thương binh; Tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Cư Đrăm).

Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) là một trong những “địa chỉ đỏ” tri ân công lao của lớp người đi trước; giáo dục về ý chí quật cường, tinh thần cách mạng cao cả, truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) cũng đã góp phần trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu lược của quân và dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung; là sự kết tinh những kinh nghiệm sống, chiến đấu và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk để gìn giữ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready