UBND tỉnh làm việc Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy về xây dựng kịch bản phòng, chống Covid-19 (30/10/2021, 19:11)

Sáng 30/10, UBND tỉnh đã có buổi làm việc Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhằm nghe báo cáo kết quả khảo sát trong công tác phòng chống và điều trị bệnh nhân COVID-19; thảo luận phương án xây dựng kịch bản chống dịch Covid-19 cho tỉnh.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh có Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phạm Ngọc Nghị; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành hữu quan. Về phía Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) có tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện cùng các thành viên Đoàn công tác của bệnh viện.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn công tác của bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ, hướng dẫn và giải đáp các câu các hỏi của địa phương, đơn vị trong công tác chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: việc cung cấp ô xi kịp thời cho bệnh nhân; chỉ số CT trong xét nhiệm RT-PCR; vấn đề cách ly bệnh nhân tại nhà; cách điều phối nguồn nhân lực điều trị trong khu cách ly; việc tái sử dụng lại khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế; chuẩn bị lực lượng tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19; vận hành trạm y tế lưu động…

Bác sĩ CK II Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng KTTH- Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nặng, cho bệnh nhân xuất viện tại TP. Hồ Chí Minh ..

Thông tin kết quả khảo sát công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh trong tuần qua, Bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy lưu ý, trong tình hình dịch đang diễn biến có phần căng thẳng, ngoài những vấn đề tỉnh đã làm tốt, Đoàn đề xuất một số vấn đề để kế hoạch phòng chống dịch của tỉnh tốt hơn, ngăn chặn dịch diễn ra ở diện rộng, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do COVID-19. Đó là cần tăng cường năng lực xét nghiệm tương xứng với tiềm năng của tỉnh; phải tính toán tăng thêm số giường bệnh tại cơ sở điều trị bệnh viện dã chiến; hoạt động của trạm y tế lưu động; phương pháp cách ly F1 để tránh lây nhiễm chéo…

Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk cần tính toán tiếp tục thành lập bệnh viện dã chiến tăng quy mô 4.000-5.000 giường, phương án vận hành trạm y tế lưu động; tránh lây nhiễm chéo. Tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp thêm vắc xin cho tỉnh để triển khai tiêm cho người dân, giảm thiểu tối thiểu tỷ lệ tử vong.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng tỉnh cần chú trọng khi điều trị bệnh nhân Covid-19 là chủ động lượng oxy, điều phối bệnh nhân theo đúng tầng điều trị. Tiếp tục xây dựng kịch bản nâng số giường hồi sức cho bệnh nhân nặng và bệnh nhân nguy kịch theo đúng hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ. Đối với tỉnh Đắk Lắk, với số dân 2,1 triệu dân, số giường điều trị cho bệnh nhân này khoảng 220-250 giường. Ngành Y tế cần hoàn thiện kế hoạch ứng phó với kịch bản mới để kêu gọi sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và các tỉnh/thành khác, Bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức đề xuất.

Thành viên Đoàn công tác tham gia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 và truy vết F0

Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP.HCM - cho biết : Qua khảo sát thực tế về công tác điều trị, chăm sóc, phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Đắk Lắk cần nâng cấp cấp độ công bố dịch, phân tầng điều trị cần tăng số lượng giường ở tầng 2,3. Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cần triển khai 350 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở khu nhà E. Khi mở rộng khu này, trước hết phải chạy lại đường Oxy, khí nén; bố trí kinh phí để mua sắm trang thiết bị và phải điều động nhân lực từ tuyến huyện, các bệnh viện tư nhân, sinh viên. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cần tăng tốc tiêm vắc xin cho người dân trong tỉnh, khoanh vùng sớm đối với F0 để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Chia sẻ những kinh nghiệm để huy động người dân phối hợp tốt trong công tác chống dịch cho Đắk Lắk, Bác sĩ CK II Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng KTTH, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, khi dịch bệnh bùng phát quá trình điều trị bệnh nhân cần nhân lực rất lớn. Do đó, ngành Y tế cần có kịch bản huy động nhân lực điều trị tại chỗ đảm bảo ứng phó sẵn sàng linh hoạt. Trong qúa trình vận chuyển bệnh nhân đi cách ly, điều trị để tránh quá tải, tỉnh cần tiếp tục hợp đồng với doanh nghiệp taxi tại chỗ, tập huấn quy trình chở bệnh nhân điều trị, công bố số điện thoại cho người dân nắm rõ để chủ động liên hệ để không quá tải cho xe cứu thương.

Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy trao trang thiết bị y tế tặng tỉnh Đắk Lắk

Đối với đội ngũ  y, bác sĩ cần tiếp tục xây dựng lại kịch bản phân luồng điều trị, ứng dụng zalo, viber trong hội chẩn điều trị theo 3 tầng, truy vết F1 cần phân chia theo mức, linh hoạt hoán đổi trong điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. Lưu ý tuyệt đối không sử dụng F1 chăm sóc F0; đối với bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh, không tầm soát xét nhiệm lại nếu người đó không có triệu chứng; nâng cao năng lực xét nhiệm; tăng số giường thu dung, điều trị tại các khu điều trị.v.v - Bác sĩ Việt nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cảm ơn những ý kiến góp ý của Đoàn trong công tác sàng lọc, phân luồng và điều trị Covid -19 tại tỉnh. Trên cơ sở những góp ý của Đoàn, tỉnh sẽ có thêm kinh nghiệm trong xây dựng phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đồng thời mong muốn Bệnh viện Chợ rẫy tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh về nhân lực và trang thiết bị y tế để công tác phòng chống dịch Covid-19 của địa phương đạt hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh đề nghị các huyện tập trung rà soát tình hình dịch bệnh, xây dựng kịch bản ứng phó theo hướng dẫn của đoàn, xây dựng mô hình điều trị mới theo hướng dẫn của đoàn đạt hiệu quả và nhanh chóng tạo phần mềm quản lý bệnh nhân Covid-19…

Cũng trong dịp này, Bệnh viện chợ rẫy đã trao 20 máy thở chức năng cao HFNC và khẩu trang y tế N95, đồ bảo hộ cho tỉnh Đắk Lắk phòng chống dịch.  

Theo báo cáo của Sở y tế Đắk Lắk, đến ngày 29/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.246 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 892 ca mắc phát hiện trong cộng đồng, chiếm 71,6% số ca mắc phát hiện trong 14 ngày qua.

Đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn theo nghị quyết 128 của Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk hiện đang ở cấp độ 3 - Nguy cơ cao. Toàn tỉnh đang có 6 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 3.420 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng.

Tỉnh dự kiến sẽ tăng số giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 lên 5.580 giường bệnh trên tất cả các tuyến.
Đối với công tác tiêm chủng, toàn tỉnh hiện có 236 điểm tiêm chủng, tính đến ngày 28/10/2021, toàn tỉnh đã tiêm 656.425 liều vắc xin Covid-19 trên tổng số 1.362.176 đối tượng đích.
Hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin và dự kiến đến ngày 5/11, tỷ lệ bao phủ vắc xin trên toàn tỉnh sẽ đạt 75% đối tượng đích.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready